Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng Thủ đô
Vị trí, vai trò quan trọng của nguồn lực văn hóa Hà Nội
Lý giải về nội hàm của nguồn lực văn hóa, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguồn lực văn hóa là một bộ phận quan trọng hợp thành nguồn lực tổng thể để phát triển quốc gia bên cạnh các nguồn lực khác như nguồn lực vị thế địa - chính trị, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất v.v…
Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Đến nay, nguồn lực văn hóa được xác định chung là nguồn lực dựa trên các tài sản văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể và năng lực sáng tạo thẩm mỹ - nghệ thuật của con người để tạo ra giá trị thặng dư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Tiếp cận văn hóa từ quan điểm kinh tế học hiện đại, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực, nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong quá trình phát triển nền kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số hiện nay, việc khai thác các tài sản văn hóa, tài nguyên văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các địa phương khác trên phạm vi cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội, với những tiềm lực văn hóa vốn có, nhanh chóng trở thành tiêu điểm của cả nước trong lĩnh vực xây dựng chiến lược phát triển văn hóa nói chung và xây dựng chính sách phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nói riêng. Để thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ trọng đại này, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của nguồn lực văn hóa Thủ đô trong quá trình xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Tầm vóc và vị thế văn hóa của Hà Nội ngày càng được khẳng định. Ngày 12/11/2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xác định “tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô”…
Xây dựng “Thành phố sáng tạo” làm trọng điểm
Hà Nội trở thành trọng điểm quốc gia trong mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Nhất là khi vừa qua, Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 05/05/2022 về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” đã xác định: Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Thủ đô tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GPDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GDDP đầu người 12.000-13.000 USD.
Tầm nhìn đến 2045 là Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển văn hóa mới, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần có nhiều sự thay đổi và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến văn hóa hiện nay. Rất nhiều giải pháp được đặt ra và cần được giải quyết một cách triệt để trong tương lai.
Trong đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng, cần lấy mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo” làm trọng điểm, nguồn lực văn hóa của Hà Nội. Cụ thể, nguồn lực “Thành phố sáng tạo” được xác định gồm: Nguồn lực con người (thể hiện qua sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về các lĩnh vực gồm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật, truyền thông, âm nhạc); nguồn lực di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa (các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị/sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm văn hóa được tạo ra trong các ngành công nghiệp văn hóa…); nguồn lực hạ tầng văn hóa (các địa điểm, các công trình có thể hình thành các không gian sáng tạo…).
Có thể nói, phát huy nguồn nhân lực văn hóa là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển văn hóa của Hà Nội. Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; là “Thành phố Vì hòa bình” và nay Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” - đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Hà Nội cần khơi dậy tinh thần tự hào, tình yêu, trách nhiệm; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, có lối sống nhân ái, nghĩa tình.
Trên nền tảng đó, Hà Nội có thể thực hiện được sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Phát huy nguồn lực văn hóa là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô thông qua những hành vi ứng xử mỗi ngày nhằm chung tay xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một điểm đến đáng đến, một thành phố đáng sống.