Phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đưa Vùng ĐBSCL phát triển xứng tiềm năng, lợi thế
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: Hội nghị là cơ hội để đưa các tiềm năng, thế mạnh của Vùng ĐBSCL, khắc phục những hạn chế, những tồn tại. Đồng thời, hội nghị cần sự chia sẻ thẳng thắn, thực tế từ lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL về các giải pháp trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, liên kết phát triển Vùng, chuyển đổi số, nâng cao các giá trị sản phẩm từ nông nghiệp, giao thông; các nhiệm vụ trọng tâm của vùng, các tỉnh, thành phố; những khó khăn, vướng mắc…
Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau phát biểu kiến nghị tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương (Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An,…) trình bày các tham luận làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Vùng ĐBSCL và các cơ quan, đơn vị liên quan; các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị lớn về cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng, nguồn nhân lực,… nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, cùng nhau đồng tâm, hiệp lực phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, ghi nhận đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu, lãnh đạo các địa phương rất sát sao, đầy đủ với tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng… của Vùng ĐBSCL.
“Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông MeKong.
Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Về định hướng hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, Ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng. Trong đó, tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông MeKong.
“Các thành viên Hội đồng, lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng để đề ra kế hoạch hành động và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan điều phối, liên kết Vùng ĐBSCL hoạt động hiệu quả, thực chất” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị.
Để vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển nhanh, bền vững thì cần có cơ chế điều phối vùng đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp theo quy định của pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, trong thời gian tới, đặc biệt với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL cùng với sự chung tay, đồng sức đồng lòng của các Bộ, Ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng ĐBSCL hướng đến mục tiêu chung, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL đến năm 2030 và những năm tiếp theo.