Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu, hàng vạn người con ưu tú của quê hương Nam Định đã hăng hái lên đường tòng quân cứu nước; hàng chục nghìn người tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ ở khắp các chiến trường, cùng quân và dân cả nước viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó, tỉnh Nam Định có trên 36.000 liệt sĩ; 2.902 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; trên 25.000 thương binh, 16.000 bệnh binh; trên 800 cán bộ Lão thành cách mạng, Tiền khởi nghĩa; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; với tổng số trên 200.000 người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến, Bằng khen các loại...
Hiện nay, tổng số người có công và thân nhân của người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng do tỉnh chi trả là trên 44.000 người, với số kinh phí chi trả trợ cấp hằng tháng là 82 tỷ đồng/tháng.
Trong năm 2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã xem xét, giải quyết chính sách ưu đãi và các chế độ trợ cấp, quyền lợi có liên quan cho trên 42.000 lượt người có công và thân nhân người có công. Ngoài ra, còn thực hiện chính sách đối với một số diện đối tượng liên quan là gần 2.000 người thuộc các diện theo các Quyết định số: 290/2005/QĐ-TTg; 62/2011/QĐ-TTg; 40/2011/QĐ-TTg, 57/2013/QĐ-TTg; 49/2015/NĐ-CP; 24/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải quyết cho hơn 7.000 lượt người có công, thân nhân của người có công với cách mạng và các diện đối tượng liên quan được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Đến nay, tỉnh Nam Định không có hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách của người có công và thân nhân người có công đủ điều kiện theo văn bản đã quy định mà không được giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 213 Nghĩa trang liệt sĩ, 9 Đền thờ, Đài tưởng niệm liệt sĩ; hằng năm cùng với nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp và trích ngân sách địa phương thực hiện tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ với giá trị hàng chục tỷ đồng; thực hiện xây dựng, tu sửa mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ năm 2022 đối với 66 công trình, tổng kinh phí là 36,8 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 32 công trình với kinh phí là 12,5 tỷ đồng.
Đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”: Đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2022 ở cả 3 cấp đã thu được trên 9 tỷ đồng, trong đó: Cấp tỉnh là 580 triệu đồng; cấp huyện là 2,125 tỷ đồng và cấp xã là 6,308 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh đã có 191 nhà ở của người có công với cách mạng được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; với tổng số tiền là trên 8,4 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh hỗ trợ xây dựng 30 nhà tình nghĩa (trị giá 80 triệu đồng/nhà) và hỗ trợ sửa chữa 80 nhà ở hư hỏng, xuống cấp (trị giá 40 triệu đồng/nhà), tổng số tiền từ Quỹ cấp tỉnh trích hỗ trợ là 5,6 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... trong và ngoài tỉnh thực hiện tặng sổ tiết kiệm đối với 146 hộ gia đình người có công; với tổng trị giá là 277 triệu đồng.
Tổ chức thăm hỏi, động viên, cấp phát quà tặng cho gần 59.000 người có công, thân nhân liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh-Liệt sỹ 27/7/2022, với tổng số tiền là trên 135 tỷ đồng (trong đó: quà của Chủ tịch nước là trên 36,3 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh là trên 59 tỷ đồng; quà của cấp huyện, xã và các tổ chức cá nhân là gần 40 tỷ đồng). Thăm hỏi, tặng quà các Trung tâm và thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Nam Định đang an dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công tỉnh ngoài.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện đoàn đại biểu người có công tỉnh Nam Định bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những người có công với cách mạng nói chung, người có công tỉnh Nam Định nói riêng; luôn dành sự quan tâm, ưu đãi đặc biệt với người có công, thân nhân người có công, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh; từng bước nâng mức phụ cấp ưu đãi; cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo đời sống của người có công.
Bày tỏ sự biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đại diện người có công tỉnh Nam Định hứa với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn gương mẫu, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, động viên con cháu, gia đình nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sống gương mẫu, là tấm gương cho con cháu, dòng họ học tập và noi theo, tiếp tục có những đóng góp có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương Nam Định giàu đẹp.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, trong không khí cả nước tích cực hưởng ứng các hoạt động trang trọng, ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, trong không khí hết sức thân tình, đầm ấm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất vui mừng, xúc động được gặp mặt đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Nam Định - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, chính trị, quân sự, trong đó có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cố Tổng Bí thư Trường Chinh…
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi đến các đại biểu người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tỉnh Nam Định và trên cả nước lời thăm hỏi ân cần, sự tri ân sâu sắc và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng đặc biệt vui mừng, xúc động, phấn khởi khi thấy các bác, các anh chị đều rất vui khỏe, lạc quan, yêu đời và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội; nêu rõ, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, nhân dân luôn dành tình cảm cao quý, trân trọng, chia sẻ với những người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh. Điều này thể hiện đạo lý của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”.
Trong những năm tháng gian khổ ấy, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp thanh niên xung phong ra chiến trường, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi hậu phương. Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa quyện vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể, xương máu của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, di chứng còn kéo dài. Có không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.
Ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc bởi sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã cống hiến trí tuệ, công sức, máu xương, anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc, đất nước. Chúng ta phải chăm lo cho sự nghiệp này với tinh thần trách nhiệm cao cả, thể hiện đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc bởi sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã cống hiến trí tuệ, công sức, máu xương, anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc, đất nước. Chúng ta phải chăm lo cho sự nghiệp này với tinh thần trách nhiệm cao cả, thể hiện đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và ngày càng phải hoàn thiện. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về vật chất và tinh thần để thực hiện theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”... ngày càng phát triển, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả, làm ấm lòng hương hồn các anh hùng đã khuất và góp phần giảm bớt nỗi đau cho những người ở lại.
Nhiều bác, anh chị đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động, học tập; năng động, sáng tạo, làm giàu cho gia đình và xã hội, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, gia đình chính sách còn gặp khó khăn. Đặc biệt, có những cựu chiến binh, thương binh nặng đã nêu gương sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Đây thực sự là những tấm gương sáng về nghị lực, niềm tin, như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn “thương binh tàn nhưng không phế”, đồng thời truyền cảm hứng, tạo động lực, khích lệ phong trào tri ân để xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành trong thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng và trân trọng những thành công mà các bác, các anh chị cựu chiến binh trên cả nước đã đạt được, trong đó có các thương bệnh binh, người có công của tỉnh Nam Định.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hàng vạn người con ưu tú Nam Định đã hăng hái lên đường tòng quân cứu nước; hàng chục ngàn người tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ ở khắp các chiến trường, cùng quân và dân cả nước viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Qua nghe báo cáo, Thủ tướng rất xúc động được biết, toàn tỉnh Nam Định có trên 36 nghìn liệt sĩ, trên 41 nghìn thương binh và bệnh binh, gần 3 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Đặc biệt, Thủ tướng rất trân trọng những tấm gương về ý chí, nghị lực, nỗ lực như anh Hoàng Xuân Phương (thương binh tỷ lệ 35%) - Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Hải Tây, nhiều năm liền được tuyên dương vì những thành tích xuất sắc; anh Nguyễn Thanh Châu (thương binh tỷ lệ 45%) làm kinh tế giỏi, từng là chủ mô hình chăn nuôi điển hình ở xã Hải Xuân; anh Nguyễn Đức Liền (thương binh tỷ lệ 81%) luôn gương mẫu, có những đóng góp tích cực nơi cư trú... Đó là những tấm gương đảng viên thương bệnh binh mẫu mực; luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực trong các phòng trào của địa phương; vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, làm ăn kinh tế giỏi.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Nam Định cần có chương trình giáo dục thế hệ trẻ học tập, noi gương thế hệ cha anh đi trước; truyền cảm hứng để thế hệ trẻ hình dung ra được sự hy sinh, gian khổ, tinh thần yêu nước, lạc quan, yêu đời, bản lĩnh của những người có công với cách mạng.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.
Các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi.
Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Thủ tướng mong những người có công tỉnh Nam Định tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn cư trú; tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; mãi là những tấm gương sáng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng căn dặn: “Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.