Phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Hội thảo cũng góp phần làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua hoạt động báo chí, xuất bản.
Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Các đồng chí PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng chủ trì Hội thảo.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta; là ngọn cờ tư tưởng, lý luận để Đảng ta lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Do tầm quan trọng như vậy, các thế lực cơ hội, thù địch luôn tìm cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau trong suốt quá trình từ khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo đất nước cho tới ngày nay. Bởi vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của chế độ, đối với sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Toàn cảnh hội thảo sáng 28/10.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều công sức, trí tuệ, tập trung làm rõ cơ sở lý luận về vai trò của báo chí, xuất bản so với các công cụ, phương thức khác của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích vai trò cung cấp thông tin chính thống của báo chí, xuất bản chống lại xu hướng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội hay lợi dụng các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, dịch bệnh… để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Các tham luận cũng tập trung nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá nền tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội và trên không gian mạng; phân tích, dự báo những tác động, thách thức của môi trường internet, chuyển đổi số cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đối với báo chí, xuất bản Việt Nam trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hội thảo chỉ ra những mặt thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đưa báo chí, xuất bản trở thành ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh trong tương lai. Cùng với đó, khái quát thực tiễn, chỉ ra những điểm đặc thù của mô hình xuất bản, báo chí của Việt Nam; đồng thời chọn lọc và giới thiệu những kinh nghiệm có giá trị tham khảo, các phương thức đổi mới công tác xuất bản, báo chí tiên tiến, phù hợp của các quốc gia, các ngành, lĩnh vực, góp phần rút ra những giải pháp phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay.
Với tinh thần khoa học, dân chủ, trách nhiệm, những ý kiến đóng góp, thảo luận sâu sắc của các đại biểu, các nhà khoa học dự Hội thảo là những tư liệu có giá trị tham khảo, có ý nghĩa thiết thực về cả lý luận và thực tiễn trong việc đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay.
Hiện nay, theo thống kê, cả nước có 815 cơ quan báo chí, 57 nhà xuất bản với hàng chục nghìn phóng viên, biên tập viên. Các cơ quan báo chí, xuất bản không ngừng lớn mạnh, tiệm cận với xu hướng phát triển chung của thế giới, tạo ra nhiều ấn phẩm ngày càng có chất lượng, đáp ứng đời sống tinh thần xã hội, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.