Phạt nặng doanh nghiệp “quên” bảo vệ môi trường
Đó là thông tin được đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại Hội thảo phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tại TP Hồ Chí Minh, mới đây.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 200 đại diện cho các hiệp hội, DN sản xuất, nhập khẩu và hiệp hội DN tái chế, xử lý chất thải. Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Theo đó, các đối tượng được điều chỉnh theo luật này có 2 loại trách nhiệm chính, bao gồm: 1/ Trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế. 2/ Trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.
Cùng đó, DN phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải; kể từ ngày 20/4/2022.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khá nhiều DN chưa kê khai và nộp tiền vào Quỹ theo đúng quy định. Cơ quan quản lý đã có danh sách của các DN này và sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt. Theo đó, các DN có một trong các hành vi như: không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn quy định sẽ bị phạt lên đến 2 tỷ đồng.
Thời gian qua, không ít DN vì lợi ích riêng đã “quên” nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Không ít DN lớn còn bí mật xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý, gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống. Đó là những trường hợp DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay người dân vẫn không thể quên. Trong số đó có thể kể đến các trường hợp: Formosa Hà Tĩnh; Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận); Vedan Việt Nam (Đồng Nai); Sonadezi Long Thành; Dệt nhuộm Pangrim Neotex (Phú Thọ); Miwon (Phú Thọ); Mía đường Hòa Bình, Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên), Mía đường Cà Mau, Mía đường Trà Vinh...
Các DN này đã xả thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt là ra sông, biến thành những “dòng sông chết”, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
Theo bà Bạch Thị Nhã Nam - Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TPHCM, điều đó cho thấy quyền của người dân trong lĩnh vực môi trường đã không được tôn trọng và bảo vệ. Tình trạng các DN vi phạm và coi thường pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp cần phải được báo động khi mà việc gây ô nhiễm của các DN là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt những vụ khiếu kiện, xung đột môi trường.
Tuy nhiên, bà Nam cũng cho rằng vẫn còn khó khăn trong việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội của pháp nhân (có thể hiểu là DN), khi để buộc pháp nhân phạm tội môi trường phải bồi thường thiệt hại về môi trường do hành vi vi phạm gây ra... thì bên bị hại phải chứng minh được hiệt hại thực tế xảy ra và mối quan hệ giữa hành vi vi phạm của pháp nhân với thiệt hại đó. Mà điều đó là khó khăn. Chính vì thế mà số vụ án được thụ lý và giải quyết yêu cầu đối với bồi thường thiệt hại liên quan đến môi trường không nhiều.
Muốn làm được điều này thì cần có sự phối hợp giữa người dân với cơ quan chức năng về môi trường và chính quyền địa phương. Nếu người dân đơn độc thì khó có thể đưa DN xả thải gây hại môi trường ra tòa, phải bồi thường cũng như phải chịu những chế tài khác.
Tuy nhiên với việc sắp tới, các DN thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sẽ bị xử phạt vi phạm có thể lên đến 2 tỷ đồng; cũng là dấu hiệu tích cực trong quá trình hoàn thiện pháp luật môi trường. Trong việc này, rất cần sự công khai, minh bạch, công bằng để không chỉ DN vi phạm “tâm phục khẩu phục”, mà người dân cũng yên lòng.