Phạt sao cho đủ răn đe?
Chỉ riêng quý I/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp với những lỗi như bán cổ phiếu “chui”, chậm công bố thông tin, công bố thông tin không đúng quy định,…
Đáng nói, xu hướng các vụ vi phạm như trên đang có dấu hiệu tăng với nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị xử lý. Nguyên nhân: Chậm nộp báo cáo tài chính, cố tình không công bố thông tin mà “tiền trảm hậu tấu” (giao dịch xong rồi mới báo cáo, hoặc thanh tra phát hiện lỗi của doanh nghiệp trên hệ thống).
Đánh giá mức độ xử phạt đối với các vi phạm, một số chuyên gia cho rằng diễn biến trên thị trường vừa qua cho thấy, mức phạt vẫn còn bị xem nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Do vậy, nhiều vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
Cụ thể, các hình thức xử phạt chính đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng.
Trong đó, mức phạt được quy định như sau: Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để chứng khoán phát triển bền vững, lành mạnh?
Thiết nghĩ, để tất cả những trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán đều phải bị xử lý theo đúng quy định pháp luật, từ đó tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, có lẽ phải trông vào sức mạnh của Luật, trông vào việc thực thi pháp luật và quan trọng sự tôn nghiêm, mạnh tay giám sát thị trường của cơ quan quản lý. Có như vậy, mới kỳ vọng thị trường được lành mạnh.
Còn nhớ, thị trường chứng khoán năm 2022 đi qua nhiều sóng gió thăng trầm, nhiều vụ dính vòng lao lý, nhiều ông chủ bị bắt vì các chiêu trò thao túng làm giá chứng khoán, tạo tài khoản, tạo “game”. Hàng loạt cổ phiếu phải rời sàn, hàng ngàn nhà đầu tư rơi nước mắt. Không ít nhà đầu tư đã quay lưng, rời bỏ thị trường.
Chứng khoán đang loay hoay lấy lại niềm tin, lấy lại dòng tiền đã mất. Tuy nhiên, không thể muốn là được, bởi niềm tin là thứ vô giá, cần có thời gian cũng như khó đong đếm được bằng tiền. Hai tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới chưa đến 100.000 tài khoản. Đến thời điểm này tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,94 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 6,9% dân số. Sự sụt giảm lượng tài khoản mở mới cũng kéo theo giao dịch ngày càng ảm đạm.