Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật và Thứ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã khái quát một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quy định tại các Điều 18, 22, 23, 24, 37, 39, 42, 43, 45, 46 của dự thảo Luật Thủ đô.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc họp đó là nội dung về ưu đãi đầu tư (Điều 46). Theo đó, dự thảo Luật quy định đối tượng ưu đãi là dự án đầu tư trong một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa; nội dung ưu đãi chủ yếu là miễn tiền đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cho rằng cần rà soát quy định pháp luật chuyên ngành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời làm rõ các chế ưu đãi, đối tượng ưu đãi để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị khoanh lại phạm vi để bảo đảm tính khả thi đồng thời làm rõ cơ chế để khai thác, thu lợi nhuận từ các ngành này.
Góp ý đối với Điều 23 của dự thảo Luật, đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa hiện nay đã khá đầy đủ. Do vậy, việc giao UBND TP. Hà Nội quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiến trúc xây dựng; biện pháp bảo tồn, quản lý, khai thác sử dụng các công trình để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và bảo tồn, phát huy giá trị khu nội đô lịch sử cần theo hướng các nguyên tắc đặc thù để tránh trùng lặp.
Cùng với đó, hiện nay, Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa, vì vậy để đảm bảo thống nhất với Luật Di sản văn hóa, dự thảo Luật nên xem xét điều chỉnh theo hướng chỉ giao cho tư nhân “quyền sử dụng bảo tàng” thay vì giao “quyền quản lý” bởi khối lượng di sản lưu trữ tại bảo tàng là rất lớn.
Tại Điều 24 về bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao, Dự thảo Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể… Cho ý kiến về nội dung này, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là “văn nghệ sĩ tài năng”.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định Bộ VHTTDL luôn xác định việc góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm chung. Với tinh thần đó, thời gian qua, Bộ đã đồng hành sát sao với Sở VHTTDL Hà Nội và Ban soạn thảo dự án Luật để cụ thể hóa các chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trong đó tập trung vào các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đầu tư phát triển văn hóa, thể thao, du lịch Thủ đô…
Đối với vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề xuất Ban soạn thảo thiết kế thành 1 Điều riêng chứ không nằm rải rác trong dự thảo Luật như hiện nay bởi theo bà, đây là vấn đề lớn, cần xác định tính đặc thù như phát triển các khu công nghệ cao tại Hà Nội.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh để xứng tầm vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến thì lĩnh vực VHTTDL của Hà Nội cần có các quy định, cơ chế đặc thù, nổi bật, tập trung, tránh dàn trải, để Hà Nội thực sự là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng công nghiệp văn hóa như một số Nghị quyết, Quyết định đã xác định.
“Khi chúng ta tạo dựng được các công trình văn hóa, khu công nghiệp văn hóa hoặc đơn giản hơn là có các địa điểm để trình diễn văn hóa phi vật thể và làm tốt việc quảng bá sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Chính vì vậy, nếu lĩnh vực văn hóa mà Hà Nội thực hiện tốt, sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân cũng như tạo được tính lan tỏa cho các địa phương lân cận”, Thứ trưởng nói.