1. Trang chủ /
  2. Phát triển điện năng lượng mái nhà ở Nghệ An: Lúng túng, khó quản lý

Phát triển điện năng lượng mái nhà ở Nghệ An: Lúng túng, khó quản lý

thứ năm, 27/7/2023 12:20 GMT+07
Điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích đầu tư và phát triển trong thời gian gần đây. Tại Nghệ An, nguồn năng lượng tái tạo mới này, bên cạnh lợi ích, hiệu quả mang lại, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa chủ động trong sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tiền điện, dễ tiếp cận, thì hiện nay, công tác quản lý đối với loại hình này còn nhiều bất cập.
Chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN ở xóm 5A, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn chưa chấp hành các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Xuân Thống Chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN ở xóm 5A, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn chưa chấp hành các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Xuân Thống

Nhiều tồn tại trong sử dụng ĐMTMN

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, đến cuối năm 2020, trên toàn tỉnh có 790 hệ thống ĐMTMN được lắp đặt, đấu nối vận hành thương mại, ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất lắp đặt gần 92MWp (tương đương trên 73,5MW). Trong số đó, có 696 hệ thống có chủ đầu tư là hộ cá thể, còn lại 94 khách hàng (25 hệ thống đặt trên các trang trại nông nghiệp, 52 hệ thống các công trình công nghiệp và 17 hệ thống công trình dân dụng) là doanh nghiệp có công suất từ 100KWp trở lên, với tổng công suất trên 85,6MWp.

Tại huyện Nam Đàn, hiện có 5 chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN ở các xã Nam Thanh, Nam Giang và thị trấn Nam Đàn. Đáng chú ý, các công trình ĐMTMN trong lĩnh vực nông nghiệp (áp mái nhà của các trang trại chăn nuôi, trồng trọt…) có công suất 100Wp với hình thức áp mái nhà trang trại của hộ ông Nguyễn Quốc Cường, xóm 5B, xã Nam Thanh, do Công ty Cổ phần Năng lượng mặt trời Nam Anh 1, Công ty Cổ phần Năng lượng mặt trời Nam Xuân và Công ty Cổ phần Năng lượng mặt trời Nam Lộc (đều ở xã Nam Thanh) lắp đặt nhưng chưa có các văn bản pháp lý, chưa được xã xác nhận việc khai báo kinh tế trang trại và giấy chứng nhận kinh tế trạng trại, trong đó, đánh giá hoạt động sản xuất nông nghiệp của các trang trại không hiệu quả.

Theo ông Thái Thế Kiên, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Nam Đàn, qua kiểm tra liên ngành các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, đoàn đã chỉ ra các tồn tại của một số chủ đầu tư như chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường, việc đấu nối chuyên ngành điện lực và hồ sơ pháp lý liên quan. Trong đó, tập trung ở các quy định như không có chủ trương đầu tư đối với hệ thống ĐMTMN; chưa đăng ký môi trường theo quy định; hiện trang trại mới đưa vào sử dụng một phần và hiệu quả mô hình trang trại phát huy được hiệu quả như mục tiêu đề ra; thiếu hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế ĐZ và TBA; hồ sơ kiểm định và biên bản thí nghiệm các vật tư thiết bị chưa đầy đủ…

Để tuân thủ đúng các quy định pháp luật về quản lý, huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục các tồn tại và bổ sung hồ sơ liên quan; đồng thời yêu cầu UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn việc khắc phục các tồn tại.

Theo báo cáo của Sở Công thương Nghệ An, ngoài huyện Nam Đàn thì tại các địa phương như Qùy Hợp, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên… có khá nhiều doanh nghiệp là khách hàng sử dụng ĐMTMN.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Sở Công thương Nghệ An được giao chủ trì, phối hợp liên ngành để rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng, cũng như thực hiện đấu nối, hợp đồng mua bán điện, chấp hành quy định về thuế.

Qua báo cáo cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đất đai và môi trường, mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.

Một số dự án mục tiêu chính vẫn chưa được nhà đầu tư thực hiện, trong khi họ đang tập trung cho việc thi công xây dựng các hạng mục nhà có mái để đầu tư hoặc liên kết, hợp tác đầu tư hay cho thuê mái với các doanh nghiệp để lắp đặt hệ thống ĐMTMN bán điện cho ngành điện và hưởng giá bán ưu đãi của Chính phủ.

Nhiều dự án nông nghiệp có nguy cơ không thực hiện được hoặc không hoàn thành được mục tiêu dự án, không đáp ứng tiêu chí trang trại. Cá biệt, trong cùng một trang trại nông nghiệp cho nhiều doanh nghiệp thuê mái để lắp đặt nhiều hệ thống ĐMTMN, một số nơi gần như chuyển sang hoạt động kinh doanh điện là chính. Đa số các trạng trại chưa đạt tiêu chí giá trị sản xuất hàng hóa của các trang trại.

Cùng với đó, các hệ thống ĐMTMN là các dự án không trực tiếp sử dụng đất, chỉ thuê phần mái của các công trình trên đất để lắp đặt hệ thống pin mặt trời… Do đó, nhìn chung các hệ thống ĐMTMN không có hồ sơ, thủ tục về chủ trương đầu tư và thuê đất.

Ngoài ra, việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy khi một số hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc diện thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động nhưng chưa tiến hành việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy… tình trạng thiếu hồ sơ quản lý chất lượng, bảo trì, bảo dưỡng và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của Bộ Xây dựng…

Công trình ĐMTMN trong lĩnh vực nông nghiệp có công suất 100KWp với hình thức áp mái của hộ dân xã Nam Thanh, Nam Đàn. Ảnh: Xuân Thống

Chậm khắc phục và khó bài toán quản lý

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, về nguyên tắc, quá trình điều chỉnh thiết kế, thi công phần hạng mục mái phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định, đánh giá an toàn chịu lực của kết cấu mái và công trình hiện hữu. Tuy nhiên, một số dự án, hồ sư thiết kế thi công phần mái công trình chưa tính toán kiểm tra liên kết giữa kết cấu đỡ và mái công trình hiện hữu để đảm bảo an toàn chịu lực, cũng như các yêu cầu về sử dụng khi chịu tải trọng tăng thêm do hệ thống điện mặt trời và kết cấu đỡ gây ra.

Bộ chuyên ngành đã có hướng dẫn và quy định khi tiến hành lắp đặt hệ thống ĐMTMN phải đảm bảo yêu cầu về an toàn của công trình xây dựng và của hệ thống điện mặt trời. Do vậy, khi xẩy ra sự cố và gây mất an toàn cho công trình hiện hữu, chủ đầu tư các dự án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì các dự án, hệ thống ĐMTMN không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường, còn các dự án, hệ thống ĐMTMN hoạt động trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/1/2022) có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường, phải đăng ký môi trường. Vì thế, đối với các cơ sở hay hệ thống ĐMTMN đang hoạt động, khi phát sinh chất thải là pin mặt trời thải, phải phân định chất thải đó là xác định chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường để có biện pháp thu gom, lưu giữ và xử lý phù hợp quy định.

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, qua kiểm tra, phát hiện nhiều chủ đầu tư không lưu trữ đầy đủ các biên bản thí nghiệm chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn ngành điện của các vật tư, thiết bị điện trong hệ thống ĐMTMN, do vậy, đề nghị ngành Điện lực phối hợp chủ đầu tư kiểm tra, rà soát, bổ sung và lưu giữ đầy đủ các hồ sơ kiểm định thử nghiệm chất lượng theo quy định.

Ông Hồ Phi Triều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, về thực hiện các quy định của pháp luật về nông nghiệp của hệ thống ĐMTMN, thì đa số các trang trại chưa đạt tiêu chí giá trị sản xuất hàng hóa của các trang trại; một số UBND cấp xã xác nhận tờ khai kinh tế trang trại chưa đảm bảo quy định. Do đó, Sở đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, giám sát, hướng dẫn việc khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp. Đồng thời quan tâm, chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế trang trại để phát huy hiệu quả, thực hiện DA đúng mục đích.

Theo Công ty Điện lực Nghệ An, sau khi có báo cáo của Sở Công thương về việc thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành (14/10/2022), đơn vị đã có văn bản đề nghị rà soát, đánh giá đảm bảo đủ điều kiện hoạt động bán điện, nhưng đến tháng 5/2023, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa cung cấp các hồ sơ pháp lý còn thiếu trong việc mua bán ĐMTMN. Công ty đã thông báo đến chủ đầu tư có công suát từ 100KWp trở lên đã ký hợp đồng từ 4/2023 sẽ thực hiện tạm dừng thanh toán tiền mua điện của 41 hệ thống ĐMTMN còn tồn tại theo kết luận.

Liên quan ngành Điện trên địa bàn, theo Công ty Điện lực Nghệ An, năm 2022, qua kiểm tra 84/94 hệ thống ĐMTMN có công suất từ 100KWp, thì hầu hết các hệ thống ĐMTMN đều có tồn tại một số thủ tục chính như phòng cháy, chữa cháy, an toàn xây dựng và môi trường… Tuy nhiên, đơn vị điện lực cũng như các chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN lúng túng trong quá trình khắc phục các tồn tại. Vì vậy, Công ty Điện lực Nghệ An đã ban hành một số văn bản để đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn công ty và chủ đầu tư khắc phục các tồn tại.

Sau đợt kiểm tra, các sở, ngành liên quan đã cho ý kiến, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu rà soát việc thực hiện đấu nối, nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định, chịu trách nhiệm, bảo đảm các công trình được đấu nối phù hợp quy định, công bố công khai hiện trạng hệ thống lưới điện, việc giải tỏa công suất trong phạm vi quản lý của đơn vị.

“Sau khi các hệ thống ĐMTMN vào vận hành thương mại, Công ty Điện lực Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị điện lực thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện của các chủ đầu tư, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thoả thuận hợp đồng mua bán. Đối với việc khắc phục, công ty đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc các chủ đầu tư khắc phục các tồn tại. Đến 10/7/2023, có 41/84 hệ thống (chưa đạt 50% - PV) đã khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng và môi trường”, ông Phạm Văn Nga, Phó Giám đốc Điện lực Nghệ An thông tin.