Phát triển khoa học công nghệ của thủ đô: Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Hà Nội và nhiều nhà khoa học, chuyên gia…
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về khoa học công nghệ của Thủ đô
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi, cho ý kiến về nội dung của một trong những chính sách được đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) đó là “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mớisáng tạo của Thủ đô”. Hội thảo mong muốn nhận được ý kiến đề xuất các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh về KH&CN của Thủ đô, đồng thời góp phần thực hiện một trong những giải pháp đột phá trong lĩnh vực KH&CN được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hà Nội cho biết: Điều 13 Luật Thủ đô năm 2012 quy định chính sách phát triển KH&CN của Thủ đô nhằm thu hút, phát huy tiềm lực của các tổ chức nghiên cứu, đào tạo KH&CN và các nhà khoa học trên địa bàn tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình KH&CN trọng điểm củaThủ đô; khuyến khích phát triển các dịch vụ KH&CN, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, chuyển nhượng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch trên địa bàn Thủ đô.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô giai đoạn 2013 - 2020 đã có nhận định chung về bất cập của việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành: “Hoạt động KH&CN của thành phố Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. KH&CN và đổi mới sáng tạo còn chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
Xác định các giải pháp đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã xác định nguyên nhân của bất cập, hạn chế về mặt thể chế trong phát triển KH&CN của Thủ đô: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách về KH&CN chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu…”
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định “Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để xác định mục tiêu chính sách về phát triển khoa học công nghệ.
Do đó, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã triển khai thu thập thông tin, xây dựng báo cáo đánh giá tác động các chính sách “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KH&CN, đổi mớisáng tạo của Thủ đô”. Trong đó, giải pháp được lựa chọn để thực hiện các chính sách là: Thành phố được quy định các cơ chế, biện pháp gồm: Quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực, vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học giỏi; Khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; Cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm 4 vụ KH&CN cấp thành phố; Khuyến khích áp dụng các cơ chế thí điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về đề xuất chính sách của thành phố. Trong đó, các đại biểu nhất trí trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô lần này cần xây dựng chính sách phát triển tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo của Thủ đô, từ đó sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể trong Luật Thủ đô hiện hành nhằm xây dựng, vận hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu rõ, bên cạnh những rào cản đã được các đại biểu nêu lên thì Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển KH&CN, trong đó phải kể đến việc tập trung rất nhiều cơ sở đào tạo nghiên cứu trên địa bàn. Do đó, thành phố cần tập trung định hướng trọng tâm trong phát triển đổi mớisáng tạo KH&CN để xác định các giải pháp đột phá; đồng thời cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, để có thể phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực KH&CN. Từ đó thiết kế thành các quy định đầy đủ, khả thi trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)