Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch ở Long An
Việc phát triển du lịch kết hợp sản phẩm OCOP đã và đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Long An, tuy nhiên mọi thứ chỉ mang tính nhỏ, lẻ và tự phát. Từ trước đến nay, cơ sở lạp xưởng Cô Châu (huyện Cần Đước) là địa điểm hết sức quen thuộc của các công ty lữ hành khai thác tour miền hạ của Long An. Trên hành trình về thăm “xứ Chợ Đào”, du khách được ghé cơ sở lạp xưởng Cô Châu như một điểm dừng chân nghỉ ngơi và mua về làm quà tặng. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP 3 sao lạp xưởng Cô Châu được nhiều người biết đến.
Bên cạnh đó, Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận cũng trở nên quá quen thuộc với “tín đồ” yêu thích du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên. Thế mạnh của Cánh Đồng Bất Tận là du lịch chăm sóc sức khỏe ít nơi nào có được. Đến đây, du khách được tham quan khu vực chế biến dược phẩm, sử dụng thử và mua các sản phẩm OCOP 4 sao sản xuất tại Nhà máy Mộc Hoa Tràm trong khu du lịch.
Các mô hình du lịch gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh đang nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của khách du lịch dù hình thức tổ chức còn nhỏ, lẻ. Đó là tiền đề cho việc đẩy mạnh du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Long An, ngành du lịch của tỉnh đang trong quá trình phát triển du lịch nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động: Khảo sát, xây dựng kịch bản, tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP,... du lịch của tỉnh đang từng bước hướng tới mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
Không chỉ chú trọng khảo sát các sản phẩm OCOP được công nhận, những sản phẩm tiềm năng cũng được quan tâm. Đặc biệt, tùy vào yêu cầu thực tế của thị trường, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh có hướng tư vấn các hộ kinh doanh, công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh điểm đến, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, liên kết tạo chuỗi kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 85 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, OCOP là chương trình hiệu quả, thiết thực, góp phần đưa sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương đến với thị trường tiêu thụ, xây dựng mối liên kết, phát triển kinh tế cộng đồng.
Việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP giúp phát huy thế mạnh, góp phần nâng cao thu nhập của người dân các địa phương thông qua việc cung cấp cho du khách những trải nghiệm chân thật và sản phẩm chất lượng trong hành trình trải nghiệm của mình.