Phát triển thương mại điện tử đúng hướng, bền vững
Nhiều cam kết bảo vệ người tiêu dùng
Hôm qua (16/11), tại buổi họp báo công bố "Tuần lễ TMĐT quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023", đại diện Ban Tổ chức (BTC) cho biết, nâng cao trải nghiệm người dùng và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT luôn là vấn đề được quan tâm nhất trong mỗi dịp tổ chức Tuần lễ TMĐT nói riêng và môi trường kinh doanh trực tuyến nói chung.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện Tiktokshop tại Việt Nam cho rằng, nhận thức về an toàn trên TMĐT cũng đã được các chủ sàn, nhà bán trên các nền tảng trực tuyến quan tâm nhiều hơn khi đã cùng nhau đưa ra các quan điểm với phương châm bảo vệ người tiêu dùng (NTD), đưa ra các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi NTD.
“Tiktok và các sàn TMĐT đều có chính sách chặt chẽ về hàng hóa được đưa lên trên nền tảng bán hàng và quảng bá đến người dùng bởi trải nghiệm của người dùng là rất quan trọng. Chúng tôi đều đã có những hành động quyết liệt như xóa tài khoản hoặc gỡ sản phẩm nếu bị phát hiện bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Thậm chí nhiều phiên đang livestream (bán hàng trực tiếp) cũng đã bị cắt khi có báo cáo của cộng đồng về chất lượng sản phẩm” - ông Thanh khẳng định.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (iDEA - Bộ Công Thương) khẳng định, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hướng đến những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho DN, hướng đến xây dựng niềm tin cho NTD thông qua các chương trình khuyến mại thực chất, các chương trình đồng hành nghiêm túc của các nhãn hàng, DN, sàn TMĐT lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng.
Theo đánh giá của ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng Giám đốc Acesstrade, sau 10 năm tổ chức tuần lễ TMĐT, số lượng người dân tham gia mua sắm và thanh toán bằng QR code đã tăng lên rất cao. Mặc dù sức mua hàng hóa hiện đang giảm mạnh, nhiều đối tác chiến lược của Acesstrade bị giảm doanh thu và lợi nhuận nhưng kinh doanh online vẫn tăng trưởng. Số liệu cho thấy, các sàn TMĐT đều có sự tăng trưởng về tổng doanh thu.
Hiện các sàn đang mở nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, các hỗ trợ liên quan đến logistic cũng tham gia mạnh mẽ với các mã giảm giá vận chuyển. Trong khi đó, hiện tổng doanh thu TMĐT mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh số mua sắm tiêu dùng bán lẻ, do đó, dư địa phát triển TMĐT còn rất lớn bởi NTD đều đã nhận thức được những lợi thế khi mua bán trên môi trường trực tuyến, cộng thêm việc các sàn TMĐT cũng có nhiều hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm nên cũng thu hút được nhiều người mua hơn.
Chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững
BTC Tuần lễ TMĐT 2023 cho biết đã có những kế hoạch hành động thiết thực và kịp thời hướng tới bảo vệ quyền lợi NTD trên môi trường trực tuyến. Cụ thể, ngay tại sự kiện của chương trình, cơ quan quản lý và các sàn TMĐT, trung gian thanh toán, ngân hàng… sẽ cam kết chung tay xây dựng thị trường TMĐT bền vững.
Từ sự chung tay này, các sàn TMĐT, DN sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ NTD. Đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho NTD khi mua sắm. Khi tạo được niềm tin cho NTD trên môi trường trực tuyến, DN cũng sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ trên các nền tảng TMĐT, mở rộng thị trường cũng như được tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm qua môi trường trực tuyến, ứng dụng các giải pháp số chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của DN.
Bà Lại Thanh Huyền - Phó Cục trưởng iDEA cũng cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách tăng cường quản lý phát triển TMĐT ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Cục đã triển khai nhiều nhóm giải pháp tổng thể, xuyên suốt, trong đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ thể kinh doanh TMĐT được quan tâm hàng đầu. Song song với sự phát triển nhanh của TMĐT thì các cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng các hệ thống quản lý TMĐT như hệ thống quản lý giám sát tập trung, hệ sinh thái số bảo vệ NTD trong TMĐT; triển khai thanh tra kiểm tra giám sát hậu kiểm với hoạt động TMĐT.
Ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT (VECOM) cho rằng, sau giai đoạn phát triển với tốc độ “chóng mặt”, TMĐT Việt Nam sẽ bắt đầu chuyển qua giai đoạn mới - phát triển bền vững - bởi không thể có ngành nào có thể phát triển nhanh mãi được. Trong đó, VECOM đã đặt ra những vấn đề về định hướng phát triển TMĐT xanh với hàng loạt các phương thức được nhận diện cần thay đổi. Ví dụ, trước đây, phương châm “giao hàng nhanh trong 2 giờ đồng hồ” được coi như một tuyên ngôn mạnh mẽ về TMĐT thì hiện giờ, các DN, các sàn TMĐT sẽ làm chậm hơn để ít nhất, bảo đảm bớt được lượng khí thải ra môi trường mỗi khi giao hàng. Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp để phát triển TMĐT đồng đều ở các vùng miền, thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương.
Hợp tác quốc tế về quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT
Trong 3 ngày, từ 15 - 17/11, các chuyên gia của Trường Đào tạo Thuế thuộc Cơ quan thuế Quốc gia Nhật Bản và chuyên gia của Cục Thuế Tokyo (Nhật Bản) sẽ trực tiếp trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về kỹ năng thanh tra, kiểm tra (TTKT) thuế và thu thập thông tin trong lĩnh vực TMĐT cho cán bộ thuế Việt Nam.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuế), ông Bùi Việt Hùng, hiện nay TMĐT tại Việt Nam đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số. Việc quản lý thuế đòi hỏi phải thay đổi để tiếp cận với mô hình kinh doanh mới. Việc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về kỹ năng TTKT thuế và thu thập thông tin trong lĩnh vực TMĐT là rất cần thiết để ngành Thuế Việt Nam có cơ hội được học hỏi các kinh nghiệm.
Với mục tiêu tăng cường QLT đối với hoạt động TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã tham mưu, trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan, trong việc phối hợp với cơ quan thuế để cung cấp thông tin, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Tuy nhiên, để quản lý và đấu tranh đối với các nhóm kinh doanh TMĐT, cần phải tăng cường thêm kinh nghiệm, đặc biệt là những kinh nghiệm trong công tác quản lý của các quốc gia phát triển, điển hình như Nhật Bản, từ đó tiếp tục đầu tư hệ thống ứng dụng phân tích rủi ro, kiểm soát dòng tiền, dòng hàng hóa dịch vụ.
My My