Phiên xử Địa ốc Alibaba lừa đảo: Bất ngờ với “cẩm nang bán hàng” của Nguyễn Thái Luyện
Trả lời LS, Luyện tiếp tục phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng.
Luyện còn cho rằng 57 dự án (1 dự án được đổi tên sau đó, được thành lập trên 12 Cty con) “đều có thật bởi tất cả các thửa đất trong những dự án này đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng, ghi rõ nguồn gốc đất, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác... Đến hiện tại, đều được tách ra sổ và hầu hết là đất thổ cư”.
Trong khi đó, theo cáo trạng, năm 2016 Luyện thành lập Địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Luyện còn thành lập 22 Cty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn sau đó quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách. Bằng cách này, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ.
Trả lời LS về căn cứ tách thửa đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng bán cho khách, Luyện nói “đã dựa vào các quy định của Luật Đất đai, Luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, còn căn cứ trên quy định tách thửa tại địa phương để phù hợp với khu đất đã mua cũng như nhu cầu của người mua”.
"Pháp luật về đất đai hiện nay không có điều khoản nào cấm chủ sử dụng đất tách thửa đất nông nghiệp, mà còn khuyến khích người sử dụng đất căn cứ vào Luật Đất đai để đầu tư, làm gia tăng giá trị của lô đất", Luyện nói, còn cho rằng “những lô đất nông nghiệp mà bị cáo mua đều đã được chính quyền địa phương cho phép tách thửa và cấp giấy chứng nhận”.
Luyện cũng cho rằng Địa ốc Alibaba “mua đất nông nghiệp sau đó tách thửa, phân lô đều là công khai, minh bạch và được các cơ quan chức năng đồng ý. Việc tổ chức bán hàng cũng diễn ra công khai và tôi là người trực tiếp giám sát. Sau khi ký hợp đồng 5 - 10 ngày, nếu khách không muốn mua nữa chúng tôi sẽ trả lại tiền và trả lãi theo lãi suất ngân hàng".
Từ đó, Luyện cho rằng cáo trạng quy kết mình lừa đảo “là oan sai, dẫn đến các bị cáo khác cũng bị oan. Quá trình điều tra bị cáo đã gửi tổng cộng 80 đơn thư kêu oan và khiếu nại, nhưng Cơ quan điều tra cho là không có căn cứ".
Tuy nhiên, khi trả lời thẩm vấn của LS, hầu hết các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố. Họ cho rằng mình chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Luyện, không hiểu biết pháp luật và không được hưởng lợi từ việc ký hợp đồng với khách hàng mà chỉ nhận lương tháng, nên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét.
“5 bước kinh doanh” trong cẩm nang Luyện biên soạn
Trả lời xét hỏi của đại diện VKS, bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo Địa ốc Alibaba) trình bày nội dung cẩm nang viết về các bước kinh doanh do Luyện biên soạn
Theo Như, tài liệu này được đặt tên là "Cẩm nang các kỹ năng bán hàng" phát hành nội bộ cho nhân viên Cty “giúp con người tích cực hơn trong cuộc sống bởi "7 phẩm chất, 7 nguyên tắc nhân bản"”.
Như khai cẩm nang này dùng để đào tạo nhân viên Cty Alibaba chào bán dự án không có thật cho khách hàng.
Kiểm sát viên yêu cầu Như làm rõ các bước kinh doanh trong cẩm nang gồm: “Phương pháp sale phone; phương pháp “truyền lửa”; phương pháp “đốt lửa”; phương pháp “treo đầu dê, bán thịt chó” và phương pháp truy sát khách hàng”.
Theo Như, "phương pháp sale phone" là cách gọi điện thoại cho khách hàng để chào bán đất dự án. Kiểm sát viên hỏi nhân viên sẽ gọi thế nào, tần suất ra sao? Như không trả lời.
Về "phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó", Như nói không nhớ có nội dung này. HĐXX cung cấp "cẩm nang" trên cho Như đọc lại nhưng Như khai “không hiểu”.
Về "phương pháp truy sát", Như khai đây là cẩm nang do Luyện viết, mình chỉ truyền đạt cho nhân viên, nhân viên thấy phù hợp thì làm chứ bản thân mình không ứng dụng những kinh nghiệm này, mình sử dụng kinh nghiệm của bản thân để bán hàng.
Trả lời câu hỏi của công tố viên trước khi đảm nhận vai trò đào tạo tại Cty Alibaba, bị cáo được đào tạo về chuyên ngành gì, Như cho biết từng tốt nghiệp 2 bằng y là y đa khoa và chuyên khoa mắt. "Do nghề y không xuất phát từ đam mê của bị cáo mà là ý muốn của gia đình, nên bị cáo đã rẽ hướng làm việc tại Cty Alibaba", Như nói.
Theo cáo trạng, ngày 19/9/2019, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt, khám xét tại trụ sở Cty Alibaba và chi nhánh, Như đã cùng một số nhân viên thuộc Cty này tổ chức họp báo, phát sóng trực tiếp trên Youtube để đưa ra thông tin sai sự thật, che giấu khách hàng của Cty Alibaba về hành vi sai phạm của Luyện.
Tại tòa, Như phủ nhận cáo buộc trên, cho rằng do trước đó Luyện dặn dò sau khi Luyện bị bắt Như phải trấn an các khách hàng, nên bị cáo mới tổ chức gặp mặt. "Bản thân tôi cũng rất run sợ, nhưng vẫn trấn an khách hàng chứ không phải tổ chức họp báo như cáo trạng cáo buộc", Như nói.
Phiên toà sẽ tiếp tục vào sáng hôm nay (12/12), với phần xét hỏi bị hại.
Tại tòa, trả lời xét hỏi của LS, bị cáo Vũ Hoàng Hải (cựu Giám đốc Cty CP Bất động sản BigBag, Cty con của Alibaba) trình bày trong quá trình làm việc thấy nhiều khách hàng và các nhân viên trong công ty đầu tư, nên bị cáo cũng gom góp tiền mua dự án của Luyện dù không rõ về vấn đề pháp lý.
Theo Hải, bị cáo đã mua 5 lô đất với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Hải gom góp trong suốt 10 năm đi làm cùng với tiền vay mượn gia đình. Gần nhất, vào tháng 6/2019, Hải nhờ mẹ thế chấp lô đất ở quê để lấy 100 triệu đồng đầu tư 2 lô đất trong dự án của Luyện.
"Gần 3 tháng sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã giao nộp 5 lô đất đó cho cơ quan chức năng, trong khi mẹ bị cáo ở quê phải gồng gánh trả tiền lãi ngân hàng", Hải nói và xin HĐXX xem xét để lấy lại số tiền này đưa cho mẹ trả nợ ngân hàng.