1. Trang chủ /
  2. Phiên xử “Tiến sỹ dạy làm giàu”

Phiên xử “Tiến sỹ dạy làm giàu”

thứ hai, 24/4/2023 11:22 GMT+07
TAND TP Hà Nội đang xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, Tiến sỹ vật lý, cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Thương mại đầu tư & Phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Hải tại tòa. Bị cáo Hải tại tòa.

Theo hồ sơ, năm 2007, Hải thành lập Cty IDT nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền chi phí và phục vụ mục đích cá nhân, năm 2008, Hải tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang “học làm giàu”, tự giới thiệu tiến sỹ có tài đầu tư kinh doanh, Cty IDT triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây macca.

Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Các “nhà đầu tư” còn được khuyến khích mở rộng mạng lưới với tiền thưởng kết nối từ 2 - 10%/hợp đồng.

Từ tháng 10/2014 - 10/2015, Hải đã huy động hơn 2.725 tỷ đồng. Số tiền thu được, Hải chi lãi hơn 1.198 tỷ đồng, chi thưởng hơn 40 tỷ đồng; chi phí hội thảo, văn phòng… hơn 55 tỷ đồng. Hải góp vốn đầu tư vào các dự án của 9 Cty gần 99 tỷ đồng và cho vay cá nhân 38,4 tỷ đồng. Số tiền mặt thu giữ trong két Cty chỉ có gần 760 triệu đồng; còn các khoản tiền gửi của Hải và một số nhân viên kế toán là hơn 116 tỷ đồng.

Quá trình kêu gọi đầu tư, Hải nhận thức được các dự án chưa thể phát sinh lãi suất nhưng do phải trả tiền gốc, lãi đến hạn quá lớn nên buộc phải huy động để lấy tiền người sau trả cho người trước.

CQĐT đã ghi lời khai của 574 bị hại, trong đó có 294 người yêu cầu bồi thường. Có nhiều trường hợp từ chối đến làm việc, hoặc có người đã mất, chuyển nơi công tác… Cơ quan tố tụng xác định, số tiền Hải chiếm đoạt hơn 576 tỷ đồng.

Cáo trạng đánh giá, Hải huy động tiền cá nhân nhưng lại sử dụng chức danh TGĐ Cty, sử dụng con dấu Cty trong các hợp đồng, huy động nhân viên soạn thảo hợp đồng, thu tiền của người dân.

Hải bị VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đại diện VKS, tại tòa, bị cáo chưa thực sự thành khẩn. Về dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên buộc Hải trả lại tiền cho những bị hại có yêu cầu bồi thường.

Trước đó, trong phần thẩm vấn, bị cáo liên tục phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo nói mình “là nhà khoa học làm kinh tế nên có thể có sai sót, nhưng không bao giờ lừa đảo”, cho rằng “thu 2.700 tỷ đồng của các nhà đầu tư nhưng đã chi trả tới hơn 2.900 tỷ đồng, như vậy là bỏ thêm tiền túi cả trăm tỷ”, “đã thực hiện đúng nghĩa vụ với hàng nghìn nhà đầu tư khắp cả nước”.

Quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo cho rằng Cty của mình “hoạt động hiệu quả bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dù kết luận điều tra cho rằng không hiệu quả, nhưng bị cáo thấy hiệu quả”.

Bị cáo cũng cho rằng “chưa bao giờ nhận mình giỏi”, “không kêu gọi vốn mà sau những buổi chia sẻ kiến thức làm giàu thì các nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia góp vốn”.

Trước những lời khai của bị cáo, chủ tọa trích dẫn cáo trạng và tài liệu vụ án thể hiện, 8 dự án mà Hải quảng bá “sinh lãi triệu USD” đều bị kết luận không hiệu quả, không có khả năng sinh lãi như hứa hẹn. “Dựa vào đâu bị cáo trả lãi 40 - 50% cho người ta, bị cáo có kinh doanh sản xuất gì không?”. Bị cáo trả lời “các dự án đều có khả năng sinh lãi, có tiềm năng, đặc biệt là dự án mạng xã hội dạy làm giàu”. Theo bị cáo, thời điểm bị cáo bị bắt, “trang đã có tới hơn 700.000 thành viên, dự kiến 1 năm sau sẽ có 2 triệu người và giá trị lên đến 2 tỷ USD nên chắc chắn sẽ có DN nước ngoài muốn mua lại”.

Bị cáo viện dẫn thêm chuyện dự án trồng cây mắc ca được mệnh danh “cây trồng tỷ đô”. “Nhưng đúng lúc cây sắp ra quả, sinh lời, tôi bất ngờ bị bắt giữ, nhà đầu tư mất cơ hội thu lợi nhuận”, bị cáo nói.

Về phía các bị hại, có sự phân hóa thành hai nhóm, thứ nhất là những bị hại có quan điểm yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại. Một nhóm khác cho rằng quan hệ giữa họ và bị cáo là quan hệ dân sự, không tố cáo Hải, “đề nghị tòa trả tự do cho bị cáo để cùng tiếp tục làm giàu”.

Một bị hại hơn 80 tuổi nói “cho dù bị cáo được tự do hay phải đi tù, thì ông vẫn đầu tư cho ông Hải làm giàu tiếp”. Một số bị hại khác còn không yêu cầu bị cáo phải bồi thường.

Tuy nhiên, nhiều bị hại nêu nguyện vọng buộc bị cáo trả lại tiền, họ đầu tư vì tin vào thông tin quảng cáo của Cty chứ không phải tin cá nhân bị cáo Hải. Một người phụ nữ gần 70 tuổi ở Hà Nội khai tại tòa rằng cùng người thân góp vốn gần 6 tỷ đồng cho bị cáo Hải nhưng mới được chi trả 100 triệu đồng. Bà đầu tư vì tin vào các thông tin quảng bá trên trang mạng của Chủ tịch IDT. Theo lời người phụ nữ trên, bà thấy dấu đỏ Cty và chức danh trên hợp đồng nên mới ký, chứ nếu là cá nhân Hải thì không bao giờ đầu tư. Bị hại này thừa nhận đã mất tiền do tham lãi suất cao và có nguyện vọng được lấy lại số tiền đã đầu tư.