Phim cổ trang Việt: Thành công đến từ những cổ phục đúng lịch sử
“Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt mới đây đã nhấn mạnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế… Điều này sẽ góp phần tiếp tục khích lệ những người đang khai thác vốn quý văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần đưa hình ảnh đẹp, giá trị đặc sắc của văn hóa dân gian ra thế giới.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh của phim “Phượng Khấu” vừa được xướng tên ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2021 trong Liên hoan phim Thế giới châu Á tại Mỹ. Đây là sự khích lệ lớn cho những đạo diễn làm phim cổ trang Việt.
Tại Lễ trao giải Liên hoan phim Thế giới châu Á tại Mỹ, ông Georges Jojo Chamchoum, Giám đốc Liên hoan phim nhấn mạnh: “Phim “Phượng Khấu” chưa phải là một tác phẩm tốt về kỹ thuật và cao tay nghề nhưng những gì bộ phim mang tới liên hoan như một phong vị lạ, khác biệt và lộng lẫy trước các sắc màu dân tộc châu Á khác, một Việt Nam hiếm hoi và đặc sắc. Người tạo ra một tác phẩm đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của sắc màu văn hóa châu Á xứng đáng được khích lệ”.
Bên cạnh đó, Hội đồng Giám khảo của Liên hoan phim còn bất ngờ và trầm trồ trước những trang phục cổ Việt Nam. Họ dành nhiều khen ngợi cho chiếc áo Nhật Bình trong phim và thấy được nét đặc trưng của Việt Nam so với các nước châu Á khác. Đây là sự khích lệ lớn cho những đạo diễn làm phim cổ trang Việt cũng như niềm vui của khán giả yêu phim về đề tài lịch sử.
Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định, trang phục vừa là hình ảnh vừa là biểu tượng, kết tinh của một thời đại. Khi làm phim lịch sử, trang phục cổ đóng vai trò quan trọng và cũng là khâu dễ nhận “gạch đá” của dư luận, mặc dù đoàn làm phim đầu tư vài chục tỷ cho đến hàng trăm tỷ đồng cho bộ phim.
Còn nhớ, bộ phim “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” là bộ phim có kinh phí khổng lồ, lại được làm với mục đích kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, bộ phim này đã bị hủy chiếu bởi từ cảnh quay, võ thuật, diễn viên quần chúng… và đặc biệt là trang phục nhân vật đều quá giống phim nước ngoài.
Rồi sau này, trang phục của phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” bị chê không đúng với các triều đại tương ứng. Còn phục trang trong phim “Lửa Phật” bị chê là nặng nề, thiếu thẩm mỹ, sáng tạo trang phục tùy hứng với những áo giáp cồng kềnh, vướng víu. Phim “Tây Sơn hào kiệt” trang phục của các nhân vật bị chê tơi bời vì luộm thuộm, rối mắt như cải lương…
Anh Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên (thực hiện chế tác trang phục cổ) chia sẻ, kinh phí vẫn là một trong những vấn đề nan giải với phim lịch sử. Nếu làm chuẩn chỉ thì một bộ cổ phục đúng với lịch sử có giá cả vài trăm triệu đến cả tỷ đồng với kỹ thuật dệt, chất liệu, thêu... đều 100% “made in Vietnam”. Nguồn cứ liệu để phục dựng trang phục cổ được lấy trên thư tịch, tranh ảnh và hiện vật gốc. Khi dựa vào 3 nguồn này, mọi tranh cãi sẽ không còn nữa.
Có được trang phục cổ rất tốn công sức, tiền của. Ví như ở “Phượng Khấu”, phục trang với số lượng lên đến hơn 300 bộ, 50% trong số đó là thêu thủ công truyền thống để đảm bảo tính thẩm mỹ và độ chính xác với y phục thời xưa.
Ngoài việc bỏ ra tiền tỷ may trang phục, “Phượng Khấu” phải giải quyết được bài toán là làm sao trang phục vừa phải đẹp, đáp ứng được tiêu chí của điện ảnh, đồng thời vẫn phải trung thành với lịch sử.
Mặc dù phục dựng các phục trang chưa bao giờ dễ nhưng các dự án phim cổ trang vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà chuyên môn, nhà làm phim. Khán giả vẫn đang mong đợi những “siêu phẩm” cổ trang đúng nghĩa.
Với các đạo diễn, làm phim cổ trang không chỉ là những thước phim chất lượng, mang đậm bản sắc Việt mà còn là một sản phẩm văn hoá - nghệ thuật ý nghĩa đối với đời sống tinh thần khán giả Việt, góp phần tăng thêm hiểu biết, tạo động lực cho người xem tìm hiểu về lịch sử, nguồn cội của dân tộc “con Rồng, cháu Tiên”.