1. Trang chủ /
  2. Phim nghệ thuật vẫn loay hoay tìm khán giả

Phim nghệ thuật vẫn loay hoay tìm khán giả

thứ ba, 19/9/2023 13:26 GMT+07
Dù giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng dòng phim nghệ thuật khi ra rạp vẫn đang bị lép vế trước phim giải trí, thương mại, phải loay hoay tìm khán giả đại chúng.
Một hình ảnh trong bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng”. Một hình ảnh trong bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng”.

Với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong những năm qua dòng phim nghệ thuật đã có sự gia tăng cả về chất và lượng. Ở đó, nhiều bộ phim nghệ thuật ngay khi ra mắt đã được giới chuyên môn đánh giá cao và bước đầu gặt hái được những thành công tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Thế nhưng, trớ trêu thay, dù các tác phẩm này được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, nhưng khi chiếu ở rạp Việt, doanh thu lại quá khiêm tốn với những suất chiếu ít ỏi, không nằm trong khung giờ “vàng”…

Một hình ảnh trong bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng”.

Tại Liên hoan phim Cannes 2023, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã đoạt giải Máy quay vàng dành cho Tác phẩm điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất, mở ra nhiều kỳ vọng cho dòng phim nghệ thuật. Sau đó, phim nhanh chóng xuất hiện tại một số rạp trong nước. Tưởng chừng, giải thưởng lớn tại một liên hoan phim danh giá sẽ giúp phim khơi gợi sự tò mò từ đông đảo khán giả trong nước, nhưng sau hai tuần ra rạp, tác phẩm chỉ thu về hơn 1,4 tỷ đồng.

Trên một diễn đàn, độc giả Lee Nguyên bình luận: “Phim khó xem, mông lung, dàn trải. Lời thoại không sắc sảo như phim Mỹ, mà khó hiểu”. Còn một độc giả khác thì viết: “Thông thường khán giả Việt thích các phim có yếu tố kịch tính, bi hài rõ ràng. Còn “Bên trong vỏ kén vàng” có tiết tấu chậm, ngôn ngữ điện ảnh và đề tài không quá gần gũi với người Việt”.

Trước đó, hồi tháng 4, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm từng lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tranh giải Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc; đoạt giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2023… cũng chật vật khi tìm đường đến với khán giả trong nước. Sau nhiều nỗ lực của ê kíp, phim mới được 4 rạp nhỏ lẻ nhận chiếu thương mại với số suất khiêm tốn và đương nhiên doanh thu cũng chẳng mấy khả quan.

Hay như bộ phim “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dù đã dành 2 năm viết kịch bản, cùng 5 năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Đặc biệt, điểm tựa vững chắc của phim chính là từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, khi ra rạp vào cuối năm 2022, bộ phim chỉ thu về doanh thu khiêm tốn là hơn 4 tỷ đồng.

Quay trở lại nhiều năm trước, “Song lang” là một trường hợp đáng tiếc nhất của phim nghệ thuật khi giành nhiều giải thưởng quốc tế, được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng lại không thành công ngoài rạp chiếu. Phim được đầu tư kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, nhưng doanh thu vé rạp của phim chỉ được khoảng hơn 5 tỷ đồng. Phim cũng bị rút khỏi các rạp chiếu trước thời hạn, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu mến bộ phim và yêu mến nghệ thuật cải lương.

Nói về doanh thu khả quan nhất của phim nghệ thuật từ trước tới nay chỉ có “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy (63,9 tỷ đồng), từng đoạt giải Phim hay nhất - New Currents tại Liên hoan phim Busan 2019.

Nguyên nhân phim nghệ thuật Việt thất bại ngay ở sân nhà, rời rạp nhanh chóng sau vài ngày công chiếu được nhiều người trong giới nhận định do câu chuyện được kể xa rời hiện thực, theo góc nhìn cá nhân nên khó tiếp cận số đông khán giả. Bên cạnh đó, những chủ đề khai thác trong dòng phim nghệ thuật cũng chỉ loanh quanh đả phá hủ tục, tảo hôn, trọng nam khinh nữ, bất công xã hội cũ một cách bế tắc. Một số nhà làm phim trẻ học tập điện ảnh thế giới, khai thác thêm các yếu tố đồng tính, nữ quyền... nhưng cũng không mới lạ.

Còn nhớ vào năm 2019, “Ký sinh trùng” (tựa tiếng Anh: Parasite) - bộ phim sau đó đoạt 4 giải Oscar bao gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc và Kịch bản gốc xuất sắc của đạo diễn Bong Joon Ho đã vượt qua định kiến phim nghệ thuật ở thị trường Việt. “Ký sinh trùng” lập kỷ lục phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất thị trường Việt khi thu về gần 65 tỷ đồng.

“Ký sinh trùng” nhận được sự tán thưởng của giới làm nghề và cả khán giả xem phim. Nghệ thuật kể chuyện trong “Ký sinh trùng” thỏa mãn mọi đối tượng khán giả, ai cũng dễ dàng cảm nhận được câu chuyện của phim theo từng cấp độ nghệ thuật và giá trị thông điệp nhiều tầng nghĩa ẩn dụ trong đó. Đây là thành công cho một phim được xếp vào dòng nghệ thuật khi tiếp cận khán giả đại chúng một cách gần gũi thông qua câu chuyện mang tính phổ quát. Chinh phục khán giả nhưng phim cũng khiến giới chuyên môn ngả mũ chào bởi sự chỉn chu từ kịch bản, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn của đạo diễn, diễn xuất thượng thặng của diễn viên, hình ảnh, âm thanh, dựng phim… đều đạt đến trình độ hoàn hảo. Vì dung hòa được giá trị nghệ thuật và giải trí nên “Ký sinh trùng” đã được khán giả Việt đón nhận nhiệt tình. Nó minh chứng khán giả Việt không thờ ơ với phim nghệ thuật mà vì lâu nay hiếm có tác phẩm nào thuộc dòng phim này đủ sức chinh phục họ.

Các nhà chuyên môn cho rằng đã đến lúc giới làm phim phải thay đổi tư duy, nhận thức lại ngay từ đầu, điện ảnh là sản phẩm đại chúng, cần có công chúng để lan truyền thông điệp và các giá trị gửi gắm trong đó chứ không phải làm ra sản phẩm cho cá nhân, thỏa mãn cái tôi của người làm phim rồi tự đắm chìm, say mê trong đó.

Nhiều phim có giá trị nghệ thuật cao của nước ngoài dù thắng giải Oscar hay Cành cọ vàng nhưng nội dung rất dễ hiểu, cuốn hút đầy chất giải trí như “Triệu phú ổ chuột”, “Ký sinh trùng”,… Tuy nhiên, tại Việt Nam, phim được cho là thuộc dòng nghệ thuật lại quá nhiều cái tôi cá nhân của đạo diễn, biến tác phẩm đại chúng thành cái riêng và khán giả khó thấu hiểu được.