Phim về sử Việt liệu đã đủ hấp dẫn?
Hình minh họa.
Thế hệ trẻ thuộc Sử bạn hơn Sử ta
Những năm gần đây, không ít lần cộng đồng mạng “dậy sóng” trước những trường hợp nhầm lẫn kiến thức lịch sử được phát trên sóng truyền hình. Còn nhớ trong chương trình Chuyển động 24 của VTV1 phát sóng vào năm 2015, với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”. Câu trả lời đã khiến người xem “ngã ngửa” khi cậu bé trả lời: “Con học Trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”. Sau khi chương trình được phát sóng, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra gay gắt, dư luận truy tìm xem việc các bạn trẻ thiếu kiến thức cơ bản và thờ ơ với môn Lịch sử là do ai. Rất nhiều ý kiến cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc xem nhẹ kiến thức lịch sử, trong đó trách nhiệm chính thuộc về chương trình dạy - học cũng như cách thức tuyên truyền về lịch sử thời gian qua.
Cho đến hiện tại, sau hơn 7 năm kể từ khi chương trình trên phát sóng, kiến thức về lịch sử của thế hệ trẻ nước ta vẫn không “khá khẩm” hơn là mấy. Thực trạng này được thể hiện rõ qua điểm trung bình môn Lịch sử của học sinh THPT, điểm số thường rất thấp, các em học lịch sử cơ bản là để đối phó chứ không phải xuất phát từ niềm đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc. Năm 2016 đến 2020, lịch sử có điểm trung bình 4,44. Hầu hết điểm trung bình môn Lịch sử đều đứng vị trí bét hoặc xếp thứ hai từ dưới lên. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ trên 70%.
Những con số biết nói kia như đang cảnh tỉnh chúng ta trước thực trạng báo động khi thế hệ trẻ, nhất là các bạn học sinh đang ngày càng thờ ơ với lịch sử. Phải chăng cách truyền đạt lịch sử đang khiến các bạn cảm thấy gò bó và ép buộc. Việc học thuộc các sự kiện lịch sử một cách sáo rỗng đang khiến thế hệ trẻ Việt trở thành những người học vẹt mà không hiểu được bản chất.
Vậy nhưng, có một nghịch lý mà nhiều người Việt gật gù đồng ý đó là một bộ phận người trẻ Việt còn thuộc Sử bạn hơn Sử ta. Điển hình như việc dù môn Lịch sử đã được giảng dạy suốt 12 năm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không nhớ Sử ta, trong khi có thể thuộc nằm lòng từ lịch sử đến dã sử Trung Hoa.
Dạo quanh mạng xã hội không khó để nhìn thấy những hội nhóm “Nghiện phim cổ trang Trung Quốc” hay “Hội nghiền phim Trung” với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người. Trong đó là vô vàn những bài viết phân tích, những cuộc thảo luận về lịch sử Trung Hoa qua phim ảnh, ai cũng tường tận Sử nước bạn như những nhà văn hoá chính hiệu.
Rồi người ta có thể kể tên thông thạo thứ tự các triều đại Trung Quốc từ thời Tống đến hiện tại, biết rõ tiểu sử những anh hùng của Trung Quốc như Hạng Vũ, Hàn Tín, Tần Quỳnh… Tóm tắt đầy đủ Tam quốc diễn nghĩa, Ngũ đại thập quốc, Thủy hử… Nhưng khi nhắc đến lịch sử Việt Nam thì lại: “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em” hoặc “Lê Lợi là cha của Lê Lai”.
Bạn Lan Ngọc (20 tuổi, Hưng Yên), một “nghiện phim” Trung Quốc chân chính tâm tình: “Mình rất hay xem phim Trung Quốc, đặc biệt là thể loại phim cổ trang như “Võ Mỵ Nương truyền kỳ”, “Đại chiến xích bích”. Qua những bộ phim đó mình có thể vừa giải trí, vừa tiếp thu thêm kiến thức về lịch sử cũng như văn hoá Trung Quốc, mình thấy khá hay và thích thú. Từ việc xem phim đó mình đã bắt đầu có hứng thú tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của Trung Quốc”…
Dù không muốn thừa nhận nhưng trước thực trạng phim Trung Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ cho thấy việc thế hệ trẻ thuộc Sử bạn hơn Sử ta là một thực tế đáng buồn hiện nay. Qua thực tế này, ta có thể thấy được nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã chọn điện ảnh là một trong những kênh quan trọng nhất để truyền thụ lịch sử dân tộc một cách hiệu quả, dễ tiếp nhận, dễ nhớ và rất hấp dẫn. Chính điều đó đã giúp lịch sử nước họ được người dân thế giới không chỉ thuộc mà còn hiểu biết sâu sắc.
Phim về sử Việt chưa hấp dẫn người xem. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, những bộ phim về lịch sử tại Việt Nam so với các nền điện ảnh phát triển trên thế giới và trong khu vực có số lượng vô cùng ít. Nếu có thì chất lượng phim cũng không được khán giả đánh giá cao, nhiều phim chỉ dừng lại ở mức minh hoạ cho kiến thức lịch sử, chưa thu hút được khán giả. Trong những năm qua, có chưa đến 10 phim sử Việt ra rạp với chất lượng phần lớn gây tranh cãi.
Theo bạn đọc Minh Tuấn (28 tuổi, Hà Nội), sau chục năm đổi mới chúng ta vẫn chưa có những bộ phim lịch sử xứng tầm: “Mình là một người yêu thích và tìm hiểu lịch sử, hầu hết những bộ phim về lịch sử Việt Nam mình đều xem qua. Nhưng đa số đều không phải tác phẩm thực thụ mà được làm với mục đích tuyên truyền. Thế nhưng, cách tuyên truyền lại chưa hiệu quả, nội dung quá ảo diệu, thiếu logic, ca ngợi một chiều và không tôn trọng sự thật khách quan. Đó là lý do phim lịch sử Việt Nam không cuốn hút được khán giả, xem phim xong không mấy ai nhớ về nội dung, nhân vật trong phim…”, Tuấn chia sẻ.
Câu hỏi được đặt ra suốt bao năm qua vẫn chưa có lời giải đó là chúng ta không thiếu nhân tài, tướng giỏi, những vị vua anh minh, những quân sư tài trí, những nhân vật lịch sử xứng tầm như: Trần Nhân Tông, Lý Nam Đế, Đinh Bộ Lĩnh, Mai Thúc Loan, Lý Thường Kiệt,… Hay những trận chiến vẻ vang chấn động thế giới như trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa hay Điện Biên Phủ… Sử Việt hấp dẫn là vậy nhưng sao những bộ phim lịch sử thật sự chất lượng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt vẫn còn vắng bóng.
Phim về sử Việt và những thách thức
Phim lịch sử không chỉ sở hữu giá trị nghệ thuật mà còn mang lại giá trị lịch sử, xã hội, thời đại rất lớn. Giá trị như vậy thế nhưng tại Việt Nam dòng phim này chưa được khai thác nhiều, nếu có dấu ấn để lại trong lòng khán giả cũng rất mờ nhạt. Lý giải cho vấn đề này chính bởi những thách thức chưa thể vượt qua của phim sử Việt.
Đầu tiên, thách thức lớn nhất chính là kinh phí. Ở Việt Nam, để sản xuất ra một bộ phim lịch sử cần đầu tư rất nhiều tiền vào bối cảnh, phục trang, đạo cụ. Không những vậy, về kỹ thuật, để phục dựng trang phục, đồ nghề, lối sống hay rộng hơn là một xã hội xưa quả không dễ. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu không đầu tư, phim lịch sử sẽ thiếu chất “sử” của một thời quá khứ. Vì vậy, rất ít hãng phim tư nhân nào nuôi tham vọng làm phim lịch sử khi phải bỏ ra một số tiền lớn trong khi hứa hẹn thu về chưa thấy đâu.
Cho tới nay, phần lớn các phim lịch sử, chiến tranh cách mạng đều do Nhà nước đặt hàng. Những phim này thường thoải mái hơn trong nguồn vốn và được đầu tư “khủng”. Thế nhưng, thách thức mà những bộ phim này gặp phải là sự ngần ngại của khán giả Việt trước các tác phẩm lịch sử do Nhà nước đầu tư. Bởi nội dung thường nặng tuyên truyền mà thiếu hấp dẫn, không được như kỳ vọng về nghệ thuật.
Chính thách thức này là rào cản lớn nhất khiến phim sử Việt không thu hút được khán giả chứ không phải người trẻ thờ ơ với lịch sử dân tộc. Bởi nếu thờ ơ thì tất cả những gì gì liên quan đến phạm trù “lịch sử dân tộc” đều sẽ bị ngó lơ mới phải. Nhưng không, đối chiếu với một cách học lịch sử qua mạng như trên kênh Youtube Tuấn Tiền Tỉ - một Youtuber chuyên làm những video đàm đạo lịch sử sẽ thấy khác biệt hẳn. Với hơn 1,5 triệu người theo dõi, series Đàm đạo lịch sử của Tuấn thu hút lượng xem rất lớn, với hàng ngàn bình luận trao đổi. Nhiều người đã trở thành “fan cứng” của sử Việt khi xem xong những clip trên.
Đây là một minh chứng cho thấy, chỉ cần là nội dung hấp dẫn thì dù bất cứ đề tài nào và chiếu ở đâu cũng sẽ luôn được khán giả tiếp nhận, ủng hộ. Phim lịch sử cần nhiều hơn nữa sự táo bạo trong cách làm, cách tư duy trong nội dung, cách truyền tải thu hút khán giả để thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả Việt. Không thể để tình trạng khán giả tới rạp chỉ để xem những phim sử của nước ngoài mà “quên” phim sử ta.
Giải pháp cho khó khăn này có lẽ là sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân. Một bên có kinh phí, một bên có nội dung. Cả hai cùng giảm bớt gánh nặng và cùng hợp sức chung vai làm những phim truyện lịch sử ở một tầm vóc mới, cả về quy mô, bối cảnh, nhân lực, vật lực và tư duy hoàn toàn khác biệt.
Hy vọng rằng trong thời gian tới phim sử Việt sẽ có những hướng đi mới để tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ nhanh và hiệu quả nhất. Để hình thành một thế hệ trẻ không hề thờ ơ và luôn day dứt với lịch sử dân tộc.