Phim Việt hậu đại dịch - vì sao lỗ nặng?
“Em và Trịnh” là phim Việt được kì vọng bứt phá trong năm nay.
Hàng loạt phim thua lỗ
Tính từ đầu năm đến nay, phải có đến hàng chục dự án phim Việt rơi vào tình trạng lỗ, rút khỏi rạp khi mới công chiếu được ít ngày. Đó quả là tin không vui cho người yêu điện ảnh Việt vốn đang trông mong một thị trường khởi sắc sau thời điểm trầm lắng do COVID-19.
Một bộ phim tiêu biểu cho việc đầu tư cao, quảng bá mạnh nhưng vẫn thành “bom xịt” là phim “Kẻ thứ ba” của nhà sản xuất kiêm nữ chính Lý Nhã Kỳ. Phim được đầu tư 33 tỷ đồng, gây chú ý khi có sự tham gia của nam chính là tài tử nổi tiếng Hàn Quốc Han Jae Suk. Tuy vậy, phim chỉ thu lại được trên dưới 1 tỉ doanh thu, là một bộ phim lỗ nặng nề nhất trong năm nay.
Cũng nằm trong danh sách phim có kinh phí “khủng” nhưng lỗ nặng là phim hành động võ thuật “578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) ra mắt khán giả vào ngày 20/5. Với kinh phí hơn 60 tỉ đồng, quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng, nhưng sau hơn 15 ngày công chiếu, phim chỉ thu được có 3,5 tỉ đồng. Đây được coi là một trong những phim Việt thua lỗ nhất từ trước đến nay.
Trước đó, vào đầu tháng 3, bộ phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh rút sớm khỏi các rạp khi lượng bán vé cực thấp, phim không đạt được hiệu ứng như mong đợi và chỉ chạm mốc doanh thu 1,1 tỉ đồng. Một số bộ phim khác cũng thấp hơn kì vọng rất nhiều dẫu nhà làm phim đầu tư tâm huyết, như “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn. Phim dù đoạt nhiều giải quốc tế nhưng thu được 2,2 tỉ đồng khi công chiếu. Phim “Mến gái miền Tây” kì vọng vài chục tỉ nhưng chỉ thu được xấp xỉ 8 tỉ đồng.
Đang chiếu tại rạp là bộ phim “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” (đạo diễn Hàm Trần) do hãng BHD và Cục Điện ảnh kết hợp sản xuất theo đặt hàng của Bộ VH-TT&DL. Đây là bộ phim dành cho thiếu nhi được giới chuyên môn đánh giá khá cao, công chiếu từ 27/5 nhưng đến nay thu được chưa đến 5 tỉ đồng.
Trước bài học về doanh thu của nhiều phim điện ảnh, bộ phim hành động “Thanh Sói” với mức đầu tư hơn 50 tỉ đồng của nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân đã phải lùi lịch công chiếu đến vài lần để chuẩn bị kĩ lưỡng hơn, hạn chế rủi ro.
Không thể phủ nhận, từ đầu năm đến nay vẫn có những bộ phim đạt doanh thu lớn như phim 18+ “Bẫy ngọt ngào” do Minh Hằng đồng sản xuất có doanh thu gần 76 tỷ đồng, phim “Nghề siêu dễ” doanh thu trên 70 tỉ, “Chìa khóa trăm tỉ” có doanh thu xấp xỉ 70 tỉ đồng... Tuy nhiên, đây vẫn là thiểu số so với hàng loạt phim lỗ nặng thời gian qua.
Bài học làm phim hậu COVID-19
Lý do của sự thất bại thì nhiều, nhưng tựu trung lại, hầu hết các phim thua lỗ về doanh thu không được khán giả đánh giá cao về chất lượng. Phim “Kẻ thứ ba” mặc dù có sự xuất hiện của tài tử phim Hàn “Giày thủy tinh” nhưng bị chê cốt truyện không mới lạ, diễn viên diễn nhạt, chưa tạo ra “phản ứng hóa học”. Phim “578: Phát đạn của kẻ điên” cũng bị đánh giá kịch bản chưa logic, thoại dở, diễn viên diễn “đơ”. Phim “Người tình” thiếu điểm nhấn. Thậm chí, phim “Mến gái miền Tây” còn bị đánh giá như một “thảm họa điện ảnh” với những mảng miếng hài cũ và lố. Chỉ có phim “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” được đánh giá chất lượng ổn nhưng vì thiếu hiệu ứng và ra rạp “sai thời điểm” nên thất bại phòng vé.
Theo phân tích của các chuyên gia điện ảnh, thực tế, trước đây có không ít phim Việt chất lượng tầm tầm, thậm chí hài nhảm nhưng vẫn đạt doanh thu đáng mơ ước. Ngoài yếu tố đón đúng thời điểm, có thể thấy, trước COVID-19, khán giả Việt khá “dễ tính” trong lựa chọn phim để xem. Tuy nhiên, sau đại dịch, tình hình đã không còn như trước. Kinh tế khó khăn hơn, cộng với việc người xem đã làm quen với việc sử dụng nhiều ứng dụng truyền hình tại nhà tiện ích nên trở nên “kén chọn” với phim ra rạp. Vì thế, chỉ cần phim làm nhàn nhạt, không có điểm nhấn, dẫu là quy tụ diễn viên danh tiếng hay đầu tư “khủng” vẫn có thể thất bại. Thời điểm sau này, thị trường điện ảnh trong nước sẽ càng ngày càng có tính chọn lọc cao hơn, chỉ những tác phẩm thực sự có chất lượng mới chinh phục được khán giả.
Phim Việt đang được kì vọng lớn ở thị trường điện ảnh năm nay chính là “Em và Trịnh”. Bộ phim dựa trên cuộc đời người nhạc sĩ được mến mộ Trịnh Công Sơn, từng dự kiến ra mắt năm 2021 - dịp 20 năm giỗ nhạc sĩ - nhưng phải hoãn vì dịch. Phim có tổng kinh phí sản xuất 50 tỉ đồng, được quảng bá mạnh mẽ ngay từ thời điểm casting. Phim được quay hơn 2 tháng, có đội ngũ khổng lồ gồm 40 diễn viên chủ chốt, 3.000 vai quần chúng, nhiều cảnh trải dài từ Huế đến TP HCM, sử dụng khoảng 1.000 bộ trang phục.
Điều đặc biệt, ban đầu chỉ có một bộ phim “Em và Trịnh”, nhưng đến lúc chuẩn bị ra rạp, nhà sản xuất lại thông báo có đến hai bộ phim về Trịnh Công Sơn song song chiếu. Bộ phim còn lại, được tách từ những tư liệu quay “Em và Trịnh”, dài 95 phút có tên “Trịnh Công Sơn”, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ. Sau tác phẩm điện ảnh kinh điển “Em còn nhớ hay em đã quên” về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vài chục năm nay người mộ điệu mới đón nhận lại một tác phẩm điện ảnh khác về ông.
Với điểm nhấn hai bộ phim cùng ra rạp, cách truyền thông hấp dẫn, phim kì vọng sẽ tỏa sáng, vực dậy bức tranh đang ảm đạm của điện ảnh Việt từ đầu năm đến nay. Phim thành công hay thất bại cũng sẽ một lần nữa là bài học lớn cho thị trường điện ảnh Việt thời kì hậu đại dịch.