Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Cần những giải pháp hiệu quả để có bước đột phá mới
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam” (gọi tắt là Đề tài), thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành.
Kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài là rất cần thiết
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Quốc Văn, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân. Theo đó, các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và PCTN, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay…
Qua công tác nội chính Đảng, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương cho biết, để thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực, giai đoạn tới cần chú trọng một số giải pháp. Cụ thể, cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng các chủ trương, chính sách lớn về công tác PCTN, tiêu cực; tăng cường công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, để công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục là dấu ấn nổi bật và có bước đột phá mới trong những năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XIII, tiếp tục khẳng định cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực sẽ “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”.
Ngoài ra, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Chủ động hơn nữa trong hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ PCTN, tiêu cực. Kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng dưới lạnh”…
Chú trọng tiền kiểm, hậu kiểm văn bản
Từ góc độ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Hồ Quang Huy kiến nghị thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản để “tiền kiểm”, “hậu kiểm” VBQPPL thực sự là công cụ hữu hiệu nhằm kiểm soát quyền lực, PCTN trong xây dựng pháp luật. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan về vai trò, vị trí của công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL; nghiên cứu, hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ chế kiểm soát tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng pháp luật (nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành văn bản của Đảng xác định khái quát các vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong VBQPPL…; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan đã tham mưu, trình, ban hành văn bản trái pháp luật, không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra)…; tăng cường kinh phí và các điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động thẩm định, kiểm tra văn bản.
Kiến nghị giải pháp tăng cường kiểm soát quyền hành pháp thông qua giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng, trước hết, cần có cơ chế xem xét, kết luận, phán quyết về tính đúng, sai đối với các quyết định hành chính cá biệt và cả quyết định hành chính có chứa quy phạm. Đồng thời, thành lập tài phán hành chính trong một số lĩnh vực quản lý, bởi lẽ việc giải quyết khiếu nại hành chính lần hai dù có thể tham khảo ý kiến của hội đồng tư vấn nhưng vẫn do thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước quyết định nên không tránh khỏi sự thiếu khách quan. Không những thế, cần thay đổi phương thức giải quyết khiếu nại và bảo đảm kết nối hiệu quả giữa giải quyết khiếu nại và giải quyết khiếu kiện hành chính; bổ sung, quy định rõ quyền khiếu nại, khởi kiện và trình tự giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan, tổ chức khác khi thực thi quyền hành pháp…