Phong phú tuyến phố "hàng xách tay" Nguyễn Sơn - Hà Nội
Được mệnh danh là “đại bản doanh” của thị trường hàng xách tay, phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) có tới hàng chục cửa hàng trải dài trong phố hoạt động kinh doanh các mặt hàng xách tay từ nước ngoài về. Nhìn bề ngoài, con phố có vẻ trầm lắng, tuy nhiên khi đi sâu vào bên trong, không khí buôn bán trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn hẳn.
Ở gần sân bay Gia Lâm và có nhiều trụ sở cơ quan của ngành hàng không, đặc biệt là khu trung tâm của đoàn tiếp viên, phi công. Phố Nguyễn Sơn đang trở thành nơi chuyên buôn bán và cung cấp hàng xách tay trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Nằm sâu trong ngõ 158 Nguyễn Sơn, cửa hàng tạp hóa Hà Đức có tới 3 nhân viên bán hàng luôn có mặt tại cửa hàng để tư vấn và phục vụ khách hàng. Số lượng lớn các mặt hàng tại đây đều là hàng nước ngoài và đa dạng từ mặt hàng cho tới chủng loại. Từ những mặt hàng quen thuộc như bột giặt, đồ gia dụng, quần áo… cho tới mỹ phẩm, rượu ngoại… đều có mặt đủ chủng loại trên kệ.
Là một nhân viên bán hàng lâu năm tại đây, chị Hà cho biết: “Cửa hàng chuyên cung cấp các mặt hàng xách tay đã nhiều năm nay, có nhiều sản phẩm đa dạng. Ở đây có một số là đồ xách tay nhưng cũng có một số ít qua công ty như hàng mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm. Chỉ có một phần nhỏ còn chủ yếu đồ xách tay là chính”.
Một nhân viên nam tại đây cho biết: “Xách tay ở đây chủ yếu là các nhân viên làm việc trong sân bay như tiếp viên hàng không xách về. Xách về họ cũng lấy phí cao, cái gì cũng có phí. Mỗi người chỉ xách được vài cân”.
Khẳng định hàng xách tay là hàng chính hãng hoàn toàn, nhân viên ở đây cho biết giá đều được cửa hàng niêm yết sẵn, tuy nhiên có thể bớt cho khách một ít. Theo tìm hiểu, do được nhập về bằng đường xách tay nên giá cả sẽ mềm hơn so với hàng nhập khẩu chính ngạch trên thị trường.
Những ngày vừa qua, vụ việc tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị bắt giữ do xách ma túy và thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam dưới dạng các tuýp kem đánh răng đang được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, nam nhân viên tại cửa hàng này cho biết: “Câu chuyện tiếp viên xách đồ cấm về mấy ngày nay cũng không ảnh hưởng gì mấy tới việc thuê người xách tay hàng hóa. Họ vẫn xách tay hàng hóa về bình thường hằng ngày”. Tuy nhiên, khi hỏi về mức giá xách tay cho mỗi đợt hàng thì người này cho biết đây là mối làm ăn riêng và không thể tiết lộ.
Không chỉ các sản phẩm gia dụng thiết yếu, những loại thực phẩm chức năng đắt đỏ tại thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được nhập về tại phố Nguyễn Sơn thông qua hình thức xách tay.
Theo đó, tại một cửa hàng nhỏ nằm số 26, ngõ 158 Nguyễn Sơn, đa dạng các mặt hàng nhập khẩu về được bày bán tại quầy. Những kiện hàng được xách tay về đang được người bán hàng bóc ra bày lên kệ, nhân viên bán hàng tại cửa hàng cho biết phần lớn hàng tại đây được bán sỉ và bán trên các nền tảng buôn bán online.
Người bán cho biết những mặt hàng xách tay này đều cam kết chất lượng và chính hãng, được mối quen từ sân bay xách về sau đó trả phí. Tuy nhiên, mỗi người xách đều có mức phí thỏa thuận khác nhau nên người bán từ chối tiết lộ.
Không chỉ các sản phẩm từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, nguồn hàng tại đây còn có thêm Pháp, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Nga… Hàng từ mỗi nước và các loại nguồn hàng đều có giá cả xách tay khác nhau.
Trước đây, hầu như các biển hiệu tại các cửa hàng đều được ghi xách tay từ nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, sau lệnh “siết” hàng xách tay, những cửa hàng này trở về treo biển bán hàng tạp hóa, đồ gia dụng nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh các loại hàng xách tay.