1. Trang chủ /
  2. Phú Thọ: Sắp xét xử đường dây mua bán khống 1 triệu hóa đơn VAT

Phú Thọ: Sắp xét xử đường dây mua bán khống 1 triệu hóa đơn VAT

thứ năm, 14/12/2023 23:39 GMT+07
Dự kiến ngày 19/12 tới đây, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa ra xét xử vụ án đường dây mua bán khống hơn một triệu hóa đơn giá trị gia tăng (VAT). Phiên tòa dự kiến mở trong 10 ngày.
Công an kiểm tra một phần tang vật vụ án. (Ảnh: Vân Thanh) Công an kiểm tra một phần tang vật vụ án. (Ảnh: Vân Thanh)

Trong 100 bị cáo, có 30 đối tượng bị truy tố tội “Trốn thuế”; 68 đối tượng bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Hai bị cáo bị truy tố các tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Trốn thuế”.

71 đối tượng trước khi bị bắt là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch, phó giám đốc Cty; 11 người là kế toán của hơn 70 Cty thuộc các ngành nghề: kinh doanh đồ bảo hộ và PCCC; cơ khí, xây dựng, dịch vụ bảo vệ, thi công các công trình về điện, may mặc, mua bán phế liệu; vật tư viễn thông; vật tư y tế; kinh doanh hóa chất, thép, gỗ; sản xuất bao bì; chế biến bảo quản thực phẩm; vận tải; thức ăn chăn nuôi; nội thất. Số đối tượng còn lại là nhân viên và lao động, kinh doanh tự do.

Vụ án được xác định xảy ra trong 22 tháng, từ tháng 12/2020 đến 10/2022, với số lượng hơn 1,025 triệu hóa đơn VAT khống mua bán trái phép, tổng tiền ghi gần 64.000 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định đường dây bị phát hiện từ cuộc kiểm tra nghĩa vụ thuế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào tháng 10/2022. Công an tỉnh phát hiện 31 hóa đơn VAT khống với tổng giá trị hàng hóa ghi trên 8,7 tỷ đồng tại một công ty thuộc TX Phú Thọ nên mở rộng điều tra.

Kết quả xác định, Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, lao động tự do), thuê 3 đối tượng mua 646 DN qua hình thức online, chi phí 50 - 60 triệu đồng/DN. Các đối tượng sau đó tự kê, khai khống doanh số mua vào, khai giảm doanh số hóa đơn bán ra tại tờ khai thuế điện tử trong các kỳ quyết toán thuế.

Sau đó, qua mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian bán hóa đơn VAT. Để hợp thức thủ tục thanh toán "qua ngân hàng" cho các hóa đơn VAT đã bán, Tú mua 6 Cty tài chính, giao cho Võ Tấn Lộc (26 tuổi) quản lý.

Tú và Lộc sử dụng sim "rác" để đăng ký ứng dụng Internet Banking, chuyển tiền qua lại với các trung gian và tài khoản DN có nhu cầu mua hóa đơn khống; ngụy tạo giao dịch, coi như hoàn thành thanh toán. Bằng phương thức này, trong 22 tháng, Tú bán 1.025.712 hóa đơn VAT khống cho 88.053 DN, hưởng lợi 0,7 - 1,5% doanh số.

Cáo trạng xác định theo thỏa thuận về phần trăm hưởng lợi giữa Tú với các trung gian, số tiền Tú hưởng lợi bất chính khoảng 510 tỷ đồng. Song theo số liệu trên các tài khoản, tiền bán hóa đơn của Tú đến thời điểm bị khởi tố, tạm giam là 294 tỷ đồng. Vì thế, khoản tiền này được xác định là số tiền Tú thu từ hành vi phạm tội, trong đó chia cho đồng phạm, trả tiền mua DN hơn 43 tỷ đồng.

Sau khi bị bắt, Tú tự nguyện nộp 15 tỷ đồng, nên tổng số tiền Tú còn phải khắc phục là 235 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định khi xuất các hóa đơn của các mặt hàng cần hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm... Tú đã đặt mua qua mạng 32 con dấu giả của UBND một số tỉnh, sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng; sử dụng để tạo dựng khống các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho DN mua hóa đơn sử dụng thanh, quyết toán với cơ quan thuế.

Trong 30 giám đốc DN bị truy tố tội “Trốn thuế”, xác định Vũ Hoàng Phi Hiếu (46 tuổi, Giám đốc 3 Cty thu mua phế liệu tại tỉnh Đồng Nai) mua nhiều hóa đơn VAT khống nhất, 998 hóa đơn. Tổng số tiền thuế Hiếu bị xác định trốn trong 1 năm ước tính 130 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định đặc điểm chung của hàng chục DN trốn thuế này đều thu mua nguyên liệu sản xuất của các cơ sở nhỏ lẻ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không thể quyết toán thuế, nên tìm đến Tú và các trung gian như một biện pháp "rửa" hóa đơn.
Có 73 đối tượng trung gian “làm ăn” với Tú, nhưng mới đủ căn cứ truy tố 6 đối tượng. Với 67 trung gian còn lại, đã thông đồng cùng Tú, bán hơn 472.000 hóa đơn, tổng giá trị ghi trên hóa đơn hơn 36.000 tỷ đồng. Do hết thời hạn điều tra, chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch và hành vi, CQĐT đã tách hành vi để tiếp tục điều tra, xử lý.
Với 68 đối tượng là giám đốc, kế toán các DN, xác định đã mua nguyên, vật liệu của các đơn vị nhỏ lẻ, không rõ xuất xứ, không xuất được hóa đơn, thông qua các trung gian của Tú để mua gần 7.000 hóa đơn khống, trả tiền mặt khoảng 4% giá trị tiền hàng để gian lận thuế.
Sau khi trưng cầu giám định về vi phạm của các cá nhân, DN này, Cục Thuế Phú Thọ đánh giá các đối tượng có hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán kê khai thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Song DN sau đó đã kê khai bổ sung, điều chỉnh giảm toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ của các hoá đơn sử dụng không hợp pháp và nộp toàn bộ số tiền thuế phát sinh tăng vào ngân sách. Các đối tượng do đó bị truy tố tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Với cơ quan quản lý thuế của 646 đơn vị bán hóa đơn và 91 đơn vị mua, sử dụng hóa đơn khống liên quan vụ án, CQĐT sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm liên quan.