Phục dựng điện Kính Thiên-Hoàng thành Thăng Long: Giấc mơ không còn xa
Đôi rồng đá với các bậc thang nằm giữa sân chầu và Điện Kính Thiên. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Chầm chậm bước lên bậc thềm đá hình rồng còn sót lại của Điện Kính Thiên, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trăn trở bảo rằng việc triển khai phục dựng Điện Kính Thiên quá chậm trễ.
Là người nghiên cứu lịch sử, tâm huyết với di sản, ông bày tỏ sự lo lắng khi "trái tim của Hoàng thành Thăng Long xưa" chỉ còn dấu tích trên những bậc thềm đá: "Chúng ta đã mắc nợ tổ tiên, nợ di sản thế giới này quá lâu."
Phục dựng điện Kính Thiên trong 10 năm
Tâm nguyện của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cũng là tâm nguyện của đông đảo các nhà khoa học quan tâm tới Hoàng thành Thăng Long.
Những móng bằng đá được khai quật trong khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Mới đây, tại cuộc hội thảo quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội” (ngày 8-9/9), vấn đề phục dựng Điện Kính Thiên lại được đưa ra với những tư liệu, giả thiết mới, góp phần hiện thực hóa giấc mơ khôi phục kiến trúc quan trọng nhất của Hoàng thành.
Theo giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, vị trí của tòa chính điện thành Thăng Long tính đến nay đã trải qua hơn 1.000 năm, song hầu như không có sự thay đổi. Ngay cả vào thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Huế, thì điện Kính Thiên vẫn được duy trì như một hành cung khi vua tuần du ra Bắc.
“Như các nhà khảo cổ học đã nói, với tốc độ khai quật như hiện nay thì phải trăm năm nữa chúng ta mới khảo cổ xong Hoàng thành. Do đó, tôi đề nghị không nên chờ đào hết mới khôi phục mà cần dựa trên những kết quả mới thu được để tiến hành ngay,” giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nói.
Đồng tình với quan điểm đó, tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội) cho rằng nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên là công việc hết sức cấp thiết có ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long-Hà Nội mà còn với cả nước.
[Giải mã thêm cấu trúc Chính điện Kính Thiên-Hoàng thành Thăng Long]
Để đẩy nhanh quá trình phục dựng, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn cho rằng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật...
Theo ông Sơn, trước hết cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản.
“Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì trong vòng 10 năm tới có hy vọng để phục dựng điện Kính Thiên,” Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Sân chầu nhìn từ Điện Kính Thiên. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Trước ý kiến của các nhà nghiên cứu, bà Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội khẳng định việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên sẽ là định hướng quản lý khu di sản trong giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030-2045.
“Có rất nhiều bí ẩn tại Hoàng thành Thăng Long cần phải giải mã, rất cần sự chung tay của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân cũng như chính quyền thành phố Hà Nội. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là trả lại một không gian của kinh đô xưa mà còn nâng tầm của di sản văn hoá đặc biệt này, xứng với những giá trị đã và đang ẩn trong những tầng đất đá,” bà Chi nói.
Ứng dụng công nghệ số
Cuộc hội thảo quốc tế vừa qua là cơ hội để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thảo luận, tìm cách phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Giáo sư Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara-Nhật bản) giới thiệu một số công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ thứ VIII, thế kỷ thứ IX được phục dựng thành công tại Nhật Bản.
Giáo sư Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara-Nhật bản) giới thiệu một số công trình kiến trúc được phục dựng thành công tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông cho biết: “Trước tiên cần dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học, để dựng lên phác thảo chính xác tới 70-80% công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỉ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ phá hủy các hiện vật có giá trị gốc.”
Cũng như Hoàng thành Thăng Long, các di tích tại Nhật Bản cũng đón công chúng tới tham quan, tìm hiểu về quá trình phục dựng. Trước thực tế này, giáo sư Ueno Kunikazu khuyến cáo 2 vấn đề: An toàn và bảo tồn hiện vật nguyên gốc.
Với kinh nghiệp từ nước Pháp, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho rằng lãnh đạo thành phố có thể kết nối các di tích lịch sử của Hà Nội và các khu di sản ở vùng lle de France; xây dựng hợp tác trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Emmanuel đã đưa ra mô hình khu khảo cổ Saint Denis (Ile de France) là một mô hình khu khảo cổ được tích hợp trong dự án cải tạo đô thị, sử dụng cảnh quan và thiết kế đô thị để bảo tồn di sản và thể hiện các vết tích lịch sử trong quá khứ.
Từ những điểm tương đồng trong bảo tồn di sản đô thị của các địa phương thuộc Pháp và Việt Nam, ông Emmanuel cho rằng vùng Ile de France có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nói tiếng Pháp đang làm việc tại các khu di tích lịch sử.
Nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long trong điều kiện hiện nay, nhiều chuyên gia cũng gợi mở việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành.
Các chuyên gia quốc tế khảo sát khu vực khai quật Hoàng thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất xây dựng một “trung tâm thông tin-công nghệ” về di sản với hình thức một bảo tàng cung đình.
Mục tiêu của bảo tàng không chỉ giới thiệu các cổ vật, di vật có giá trị mỹ thuật cao mà phải tái hiện được diện mạo kiến trúc của Cung đình Thăng Long qua các giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, phần trưng bày của bảo tàng nay phải phản ánh được các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cung đình xưa mang tính bác học hay còn gọi là văn hóa Cung đình Thăng Long.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài cũng đề cập đến các hoạt động đã diễn ra trong không gian Hoàng thành Thăng Long trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Bộ Chỉ huy tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Bài cho rằng một bảo tàng hiện đại như vậy cần tận dụng thế mạnh công nghệ như: Công nghệ hiện thực ảo, công nghệ 3D mapping... để phát huy tính chủ động và tích cực của khách tham quan, giúp họ hiểu sâu sắc hơn các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.
Với những nhà nghiên cứu như tiến sỹ Đặng Văn Bài, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc…, những thông tin được công bố và trao đổi tại hội thảo quốc tế lần này phần nào “vẽ lên” diện mạo cố cung rõ ràng hơn trong tâm trí họ./.
Điện Kính Thiên được khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV-XVIII).
Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lí do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên. Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc.