Phương tiện truyền thông đóng vai trò đắc lực trong chiến lược cải cách tư pháp.
Chiều 10/5, Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức Toạ đàm khoa học “Cải cách tư pháp theo nghị quyết 27, đào tạo và nghiên cứu khoa học liên ngành, đa ngành, xuyên ngành trong bối cảnh hiện nay”.
Tham dự buổi toạ đàm PGS.TS Đoàn Đức Lương (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH. Huế), PGS.TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trưởng Khoa Luật hình sự), Trưởng VP cùng PV báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên, quý thầy cô và gần 100 sinh viên trường ĐH Luật Huế.
Khách mời đặc biệt là: GS.TS Võ Khánh Vinh (Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Nguyên Giám đốc Học Viện Khoa học xã hội)
Mở đầu buổi toạ đàm, GS. Vinh cho rằng, cải cách tư pháp là sự cải tạo, sự đổi mới một số bộ phận tư pháp không còn phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan của tư pháp. Cải cách tư pháp tạo ra những thay đổi mang tính chỉnh thể, hệ thống về tư pháp bao quát cả tư duy và hành động trong lĩnh vực tư pháp.
GS.TS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh: Cần phải nắm chắc, quán triệt đầy đủ những điểm mới của Nghị quyết về cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh cải cách tư pháp là một trong ba trọng tâm của tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Quyền tư pháp: một trong ba bộ phận, phạm vi, lĩnh vực, nhánh của quyền lực nhà nước, nó mang bản chất quyền lực nhân dân, mang tính chất pháp quyền, thể hiện ở việc xét xử và phán quyết về vi phạm pháp luật, các tranh chấp, xung đột trong xã hội; quyền tư pháp thuộc về Tòa án.
Vì vậy, đẩy mạnh cải cách tư pháp cần phải tập trung vào cải cách Toà án với tư cách là vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, vào hoạt động xét xử với tư cách là trọng tâm trong hoạt động tư pháp.
Tại buổi toạ đàm, GS Vinh cho rằng, xu hướng hiện nay "phương tiện truyền thông" là cách cải thiện khả năng kết nối của một cá nhân với cộng đồng; vì thế, trong cải cách tư pháp đây là phương tiện đắc lực.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Kiện, cũng nêu quan điểm “để cải cách tư pháp cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức về trách nhiệm đạo đức của người làm thẩm phán. Đặc biệt, để phát huy tính liêm chính trong đội ngũ thẩm phán, nhà nước cần có chế độ bồi dưỡng xứng đáng với nghề thẩm phán”.
Qua buổi toạ đàm, Giáo sư Võ Khánh Vinh cũng gửi gắm đến các cơ sở đào tạo Luật học nói chung và Trường Đại học Luật, Khoa Luật hình sự nói riêng, những nhiệm vụ đối với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật học như là phải đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận nghiên cứu và đào tạo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có tư pháp. Phải tăng cường nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp, đổi mới một cách cơ bản chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo luật.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu cụ thể. Để thực hiện được mục tiêu trên, Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định 10 nhiệm vụ.