1. Trang chủ /
  2. Quận Tây Hồ (Hà Nội): Cần xác định rõ nguồn gốc đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân

Quận Tây Hồ (Hà Nội): Cần xác định rõ nguồn gốc đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân

thứ sáu, 13/5/2022 10:14 GMT+07
(PLM) - Các hộ dân cho rằng, chính quyền địa phương đã giải toả, cưỡng chế thu hồi đất sai quy trình khiến tài sản của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng?
 Đơn khiếu nại các hộ dân gửi đến báo Pháp luật Việt Nam Đơn khiếu nại các hộ dân gửi đến báo Pháp luật Việt Nam

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của nhiều hộ dân tại ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội phản ánh về việc đất của họ đang sử dụng là tự khai phá có nguồn gốc hoang hoá, giữa hai bờ Ngọc Thuỵ ( Long Biên) và An Dương – Phúc Xá (Yên Phụ) được sử dụng ổn định từ trước năm 1992.

Tuy nhiên, khi bị giải toả, thu hồi người dân đã không nhận được đền bù khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc giải toả, thu hồi đất của người dân mà chính quyền địa phương mới chỉ ban hành thông báo là không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo đơn thư phản ánh của các hộ dân cho biết, từ năm 1992 đến nay các hộ dân vẫn canh tác trên diện tích 5032,1 m2 tại tổ 47 cụm 7 Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội ổn định, không tranh chấp với ai và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước từ năm 1992 đến năm 2009.

Các hộ dân cũng cho biết, ngày 1/3/1993 các hộ dân trong khu vực đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của nhà nước cho chính quyền nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ năm 2009 đến nay, chính quyền không thu và cũng không đôn đốc người dân đóng thuế, vì vậy mà người dân không biết đóng thuế cho ai?

20220513_005754
Biên lai các hộ dân tiến hành nộp thuế đất sử dụng.

Cũng theo đơn thư, ngày 4/8/2014 chính quyền phường Yên Phụ đã tổ chức lực lượng cùng số lượng lớn máy móc tiến vào khu đất của các hộ dân và ủi hết toàn bộ cây cối, hoa màu của người dân.

Sau khi san, ủi toàn bộ tài sản của người dân, chính quyền đã rào tôn kín mít, ngoài hàng rào tôn có hai tấm biển được ghi với nội dung: Đất sau thu hồi và Dự án xây dựng hàng rào chống lấn chiếm.

Sự việc xảy ra, người dân đã nhiều lần gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét để giải quyết, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều người bức xúc.

Ngày 11/9/2009 UBND TP Hà Nội có văn bản số 8785/UBND -TNMT giao cho UBND quận Tây Hồ căn cứ ranh giới khu đất 16 ha, tổ chức giải tỏa thu hồi đất, bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm theo quy định của pháp luật,… Sau khi giải tỏa thu hồi đất bị lấn chiếm xong, giao cho UBND quận Tây hồ lập phương án quản lý sử dụng tạm thời để chống lấn chiếm, giao cho Sở TNMT cung cấp tài liệu, hồ sơ hiện có về quản lý đất đai tại khu vực trên cho UBND quận Tây Hồ và phối hợp tổ chức thực hiện việc giải toả, thu hồi đất bị lấn chiếm.

Tiếp đến, năm 2015, Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ ra văn bản số 198/2015/HĐTĐ cho Công ty TNHH Xuân Cầu để làm kho xưởng, dịch vụ cộng đồng, điểm đỗ xe, sân thể thao và vườn ươm (theo nội dung công văn số 3514/UBND –TNMT ngày 25/5 của UBND TP Hà Nội) với mức giá 56.919.000 đồng/m2/năm.

Người dân cho rằng, việc chính quyền quận Tây Hồ cho Công ty TNHH Xuân Cầu thuê đất để kinh doanh là không hợp tình, hợp lý.

Chia sẻ với PV báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân nghẹn ngào: “Bao nhiêu tài sản tôi nâng lên nhiều lần, tôi xây nền móng, xong đến lúc ngập nước lại lên, mấy lần như thế. Bỏ tiền, bỏ của vào như thế và chúng tôi mua của những người ta khai hoang chứ không phải chúng tôi lấn chiếm”.

Tiếp lời bà Xuân, bà Đinh Thị Nhung nói: “Đây là khu đất mà chúng tôi sản xuất để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu như nói chúng tôi lấn chiếm vậy thì chính quyền cho chúng tôi biết, chúng tôi lấn chiếm ở thời điểm nào? lấn chiếm bao nhiêu mét và biên bản vi phạm chúng tôi lấn chiếm đâu?”.

“Còn nói đây là đất công vậy thì cả khu đất 16 ha ấy bây giờ đâu hết rồi?” bà Nhung bức xúc.

Nhiều người dân ở độ tuổi 80 ở đây cũng chia sẻ với PV rằng, diện tích thuộc khu vực đất này là đất do các hộ dân khai hoang từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước.

Để có được mặt bằng đẹp đẽ như ngày nay các hộ dân đã phải tôn tạo san lấp hàng 6 - 7m chiều sâu. Khi chưa tôn tạo, san lấp thì cả khu vực đều là “vùng ngập lụt”.

Mặt khác, dù chưa giải quyết dứt điểm nội dung vụ việc khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất nhưng ngày 30/12/2021, UBND quận Tây Hồ vẫn ban hành quyết định số 5043/QĐ-UBND phê duyệt dự toán, bố trí kinh phí và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng tường rào quản lý khu đất 5.032 m2 thuộc khu vực 16ha phường Yên Phụ.

IMG_1651820701289_1651820773719
 
IMG_1651820701172_1651820773289
Quyết định số 5043/QĐ-UBND của UBND quận Tây Hồ.

Ngày 10/3/2022, UBND phường ra thông báo xây dựng tường rào chống lấn chiếm trên khu đất này thuộc khu vực 16ha để làm khu sân chơi thể thao.

Tuy nhiên, những hộ dân ở đây cho biết họ sở hữu khu đất này từ rất lâu nhưng khi thu hồi chính quyền không có quyết định hay có sự thống nhất, bàn bạc với họ.

IMG_20220513_004312
UBND phường Yên Phụ xây dựng tường rào.

Liên quan đến sự việc này, PV báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ.

Tại buổi làm việc, ông Trung cho biết: “Khu đất này là thuộc khu vực 16 ha, ngày xưa UBND TP Hà Nội giao cho Công ty khai thác cát, trong quá trình quản lý sử dụng từ năm 1993 đến giờ thì công ty cũng không quản lý nổi để người dân đến lấn chiếm và ở từ rất lâu năm”.

“Năm 2014 vì để dân lấn chiếm nhiều quá nên UBND thành phố Hà Nội đã giao cho UBND quận Tây Hồ giải toả quản lý để chống lấn chiếm”, ông Trung cho biết thêm.

20220505_104240
 Trụ sở UBND phường Yên Phụ.

Lý giải về việc người dân cũng đã tiến hành nộp thuế đất từ những năm 1993 đến năm 2009 và người dân cũng đã lưu giữ được những biên lai nộp thuế cho chính quyền thì PV nhận được câu trả lời: “Thuế thì ở đấy không có thuế, còn biên lai này là toàn bộ khu đất chứ làm gì có ranh giới, hay địa chỉ rõ ràng”.

Tuy nhiên, theo tài liệu PV có được thì việc nộp thuế đất của người dân trong biên lai đều ghi rõ diện tích đất phải nộp thuế.

Đơn cử như trường hợp của bà Đinh Thị Nhung tại Biên lai thu thuế nhà, đất số 0043209 thì bà phải nộp số tiền là 335.000đ cho diện tích 95 m2.

Trả lời câu hỏi về việc chính quyền tiến hành thu hồi đất của người dân khi không có quyết định cưỡng chế thu hồi đất có đúng quy định pháp luật?, việc cưỡng chế vào thời gian 3h sáng và việc xác định khu đất này là lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích thì UBND phường Yên Phụ có lập biên bản vi phạm những trường hợp này không ?

Ông Trung cho hay: “Cái đấy thì tôi về sau nên cũng không rõ, nhưng cái đấy cơ bản là phường thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND quận xây dựng kế hoạch giải toả”.

“Đây cũng không phải thuộc dạng thu hồi đất, đây chỉ là giải toả để quản lý chống lấn chiếm thôi”.

Đề nghị Thành uỷ, UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các phòng, ban nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự việc, tránh để đơn thư khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó cần xác minh rõ nguồn gốc đất để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.