Quảng Ninh: Doanh nghiệp bắt nhịp sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới
Khởi động dây chuyền sản xuất trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long có khoảng 95% công nhân đã quay trở lại nhà máy và ổn định công việc.
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh, công ty đã tiến hành test nhanh COVID-19 cho 100% công nhân; động viên tinh thần, tạo không khí hứng hứng khởi để khởi động sản xuất.
Theo lãnh đạo công ty, những năm gần đây, tỷ lệ lao động nghỉ việc sau Tết đã giảm hẳn. Nhờ nắm tình hình, động viên tinh thần công nhân lao động từ trước Tết nên công ty cũng chủ động hơn trong việc giải quyết thiếu hụt nhân lực, lên kế hoạch sản xuất hợp lý nhằm giảm thiểu sự gián đoạn trong dây chuyền sản xuất.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Giày dép Bách Năng Quảng Ninh (thị xã Đông Triều), đơn vị có 2.100 công nhân. Ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ Tết, toàn bộ người lao động của công ty làm việc bình thường.
Trong ngày đầu làm việc, toàn bộ công nhân bắt buộc phải test nhanh Covid-19 và thực hiện nghiêm quy định “5K”. Năm nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng. Năm 2022, đơn vị phấn đấu tăng 10% sản lượng so với năm 2021.
Tương tự, tại Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh), để duy trì việc cung cấp điện ổn định, liên tục, chất lượng phục vụ người dân, ngay những ngày đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Cán bộ, công nhân viên đi về từ khu vực, địa phương có dịch, phải thực hiện khai báo y tế theo quy định và làm việc từ xa 14 ngày kể từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng có dịch. PC Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn phòng dịch "5K" của Bộ Y tế...
Theo ghi nhận, sau nghỉ Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động như một số năm trước. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người lao động không còn ý định đi làm ăn xa mà mong muốn có công việc ổn định hơn. Cùng với đó, sự hỗ trợ và đồng hành với người lao động của các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh cũng khiến người lao động gắn bó hơn.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hiện 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều tổ chức quay trở lại hoạt động bình thường, với trên 34.000 công nhân lao động.
Để đảm bảo sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, ngay từ ngày đầu làm việc, các doanh nghiệp đã triển khai các phương án phòng, chống dịch như: Yêu cầu công nhân xét nghiệm COVID-19 ở nhà trước khi quay trở lại công ty làm việc; khi đến công ty làm việc tiếp tục được xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR; tổ chức phun khử khuẩn, vệ sinh nơi làm việc, nhất là tại những phân xưởng, vị trí thường xuyên tập trung đông công nhân lao động; có phương án bố trí cách ly, điều trị F0 để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất…
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021. Trong đó, thu hút vốn FDI dự kiến đạt 29.900 tỷ đồng, vốn đầu tư trong nước dự kiến đạt 21.900 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách mới để thu hút vốn FDI hiệu quả hơn, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu, các doanh nghiệp trên địa bàn hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại đơn vị với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để ổn định phát triển sản xuất. Điều này không những mang lại sự an tâm cho người lao động, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022.
Trọng Tài