Quảng Ninh: Khai hội đền Xã Tắc năm 2024
Lễ hội đền Xã Tắc năm 2024 gồm phần lễ và phần hội với 9 nghi lễ chính như: Lễ Cáo yết; Lễ Cấp thủy; Lễ Mộc dục; Lễ dâng hương của đoàn đại biểu tỉnh, thành phố; Lễ nghênh Thần (Rước Thần du xuân); Lễ tế Xã Tắc; Dâng lễ vật của các cơ quan, đơn vị, xã, phường và nhân dân trên địa bàn; Lễ cúng chúng sinh và Lễ xuất tịch.
Trong đó, Lễ Cấp thủy là nghi thức quan trọng để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; người dân trong vùng luôn gặp bình an, may mắn.
Theo truyền thống ở địa phương, Lễ Cấp thủy và rước nước thể hiện tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mưa thuận gió hòa của nhân dân; gửi gắm ước vọng về một năm mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi.
Anh Ngô Văn Ngọc ở khu Thọ Xuân, phường Hòa Lạc, thành viên đoàn rước lễ vui vẻ chia sẻ: Đã nhiều năm nay tôi rất vinh dự và may mắn được tham gia đoàn rước kiệu và rước nước thiêng trong nghi lễ Cấp thủy của lễ hội đền Xã Tắc. Tôi cầu cho gia đình luôn mạnh khỏe và bình an.
Di tích Quốc gia đền Xã Tắc được xây dựng từ trước năm Kỷ Mão 1879, là nơi phụng thờ thần Xã Tắc Đại Vương và thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng.
Nằm bên bờ sông Ka Long, dòng sông nối liền 2 nước Việt Nam-Trung Quốc, đền Xã Tắc từ lâu đã được xem như là một “cột mốc” văn hóa, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu lịch sử nơi ông cha ta thuở trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt nơi địa đầu biên cương Tổ quốc.
Năm 2020, đền Xã Tắc được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái cho biết: Lễ hội đền Xã Tắc năm 2024 được tổ chức trang trọng và hoành tráng, có sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách, nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Di tích cấp Quốc gia nơi địa đầu Tổ quốc; qua đó, tạo điểm nhấn và thu hút du khách đến với du lịch thành phố Móng Cái, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội ở địa phương phát triển.
Lễ hội đền Xã Tắc hằng năm được tổ chức vào ngày 29/1 và mồng 1/2 (âm lịch). Trong khuôn khổ của lễ hội còn có các hoạt động giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, giao lưu cờ tướng, giao lưu tiếng hót chim chào mào, giao lưu vẽ tranh, viết thư pháp…