Quảng Ninh kiểm tra về quản lý tiền công đức tại các di tích từ 8/5
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến tỉnh Quảng Ninh thông báo sẽ thí điểm kiểm tra về quản lý tiền công đức tại di tích, đình chùa trên địa bàn từ ngày 8/5.
Đoàn liên bộ sẽ kiểm tra tại các di tích, đình chùa trên địa bàn tỉnh, trong đó có Khu danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông. Diện kiểm tra là các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước xếp hạng hoặc đưa vào danh mục kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa.
Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và lễ hội; mở tài khoản, sổ ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ; nội dung chi; giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức trong năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.
Đoàn liên bộ sẽ phối hợp với địa phương kiểm tra tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử; Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều; Di tích Bạch Đằng; đền Cửa Ông-Cặp Tiên trong 10 ngày. Các di tích, đình chùa còn lại do đoàn liên ngành địa phương phụ trách kiểm tra và hoàn thành trước ngày 31/5 để báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, trong Thông báo số 67/TB-VPCP, ngày 7/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các đi tích lịch sử, văn hòa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2.
Ngày 31/1, Bộ Tài chính thông tin hướng dẫn thực hiện Thông tư 04/2023/TT-BTC về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 19/3.
Các quy định siết lại việc quản lý công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức với các đối tượng là cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước, nhằm hướng tới việc bảo đảm an toàn, minh bạch đối với các khoản kinh phí cho tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.
Cụ thể, các lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận đồng thời mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Trong trường hợp số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng, các đơn vị phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.
Về các lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, các cá nhân và đơn vị thực hiện cũng phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội.
Thông tư cũng nhấn mạnh các đối tượng này có thế tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nội dung tại Thông tư cũng khẳng định Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định chi tiết theo 5 chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, bao gồm người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di tích tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý di tích kiêm nhiệm.
Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc./.