Quảng Trị: Dự án cấp nước Hải Chánh “tiến thoái lưỡng nan”
Dự án hệ thống cấp nước xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) có tổng mức vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Trong đó, vốn viện trợ ODA của Chính phủ Italia trên 8,2 tỷ đồng bằng chương trình hỗ trợ hàng hóa giai đoạn II, vốn ngân sách đối ứng trong nước trên 19 tỷ đồng và vốn góp của chủ đầu tư và người dân gần 3,5 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 6/2014, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2015. Bộ Tài chính làm đầu mối tổ chức thực hiện cung cấp vật tư thiết bị hàng hóa ngành Nước bằng nguồn vốn ODA cho công trình. Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng cấp nước sạch cho trên 1.700 hộ gia đình xã Hải Chánh, về sau sẽ được mở rộng để cung cấp nước sinh hoạt thêm một số xã trong khu vực.
Đến tháng 9/2015, đơn vị thi công đã thực hiện xong phần thô công trình, bao gồm: Hệ thống thu và trạm bơm I; các hạng mục thuộc dây chuyền xử lý nước tại khu xử lý như bể lắng, bể lọc, bể chứa, nhà điều hành; trạm bơm cấp nước và nhà hóa chất… giá trị giải ngân vốn đối ứng là trên 8,3 tỷ đồng. Kể từ đó đến nay, công trình không được tiếp tục thi công, cụm nhà phần thô trải qua giữa mưa nắng hàng năm trời đã bị xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm như một dãy nhà hoang, các miệng ống nước đã bị hoen gỉ, đổi màu…
Nguyên nhân công trình phải dừng thi công, không đưa vào khai thác sử dụng được do chưa có vật tư, thiết bị để lắp đặt. Theo lý giải của Bộ Tài chính: Tại Điều 12.2 của Hiệp định, Hiệp định có thời hạn là 36 tháng kể từ ngày thực hiện đến ngày 29/3/2016 hoặc đến ngày hoàn thành chương trình, tùy vào ngày nào đến trước. Do nhiều nguyên nhân và vướng mắc trong quá trình thực hiện, chương trình chưa tiến hành được việc mua sắm vật tư, thiết bị ngành Nước cho các tỉnh, trong đó có dự án nước sạch Hải Chánh.
Đến ngày 22/9/2016, thời hạn thực hiện của Hiệp định đã hết, Bộ Tài chính phối hợp với nhà tài trợ thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành để gia hạn thời gian thực hiện Hiệp định. Tuy nhiên, đến nay nhà tài trợ vẫn chưa có trả lời cụ thể. Như vậy, rõ ràng việc thực hiện không đúng với Hiệp định là do phía trong nước, mà cụ thể là do chậm trễ thực hiện gói thầu cung cấp vật tư từ Bộ Tài chính chuyển giao, dẫn đến công trình phải bị đình trệ kéo dài trong nhiều năm liền.
Công trình xây dựng dở dang đang xuống cấp từng ngày, người dân, cử tri cũng thắc mắc, kiến nghị nhiều lần. Ngày 25/01/2021, Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị (chủ đầu tư dự án) đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị và các ban ngành liên quan đề xuất phương án xử lý công trình, gồm 2 phương án: Phương án thứ nhất, đầu tư bằng ngân sách của tỉnh nhưng theo Quyết định số 22 ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại thoái vốn giai đoạn 2021-2025 (Khoản 2, Điều 7) thì không thực hiện tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên phương án này khó thực hiện được. Phương án 2, đầu tư theo hình thức xã hội hóa, bằng cách huy động vốn của nhà đầu tư và đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi. Phương án này đang được tỉnh Quảng Trị nghiên cứu cân nhắc.
Theo ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành dự án hệ thống cấp nước Hải Chánh, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao nhiệm vụ cho Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị và Sở Tài chính tỉnh rà soát lại tổng mức đầu tư dự án và tính toán lại khối lượng còn lại phải thực hiện để thực hiện hoàn thành công trình, cũng như việc liên hệ với các cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính tiếp tục đàm phán gia hạn hiệu lực thực hiện Hiệp định viện trợ nguồn vốn ODA.
Nguồn vốn đầu tư cho dự án hệ thống cấp nước xã Hải Chánh không phải là quá lớn, xong trong quá trình thực hiện dự án còn bất cập để dẫn đến công trình phải dừng thi công. Hơn 9.300 người dân xã Hải Chánh sống ở vùng đất thiếu nước sinh hoạt khi chớm hè, nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng, lại tiếp tục khắc khoải chờ đợi nguồn nước sinh hoạt từ công trình.