Quảng Trị: Người nghệ nhân "giữ hồn" cho đại ngàn Trường Sơn
Dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, Hướng Hoá và Đakrông là 2 huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây đã hội tụ và giao thoa nét văn hoá độc đáo của 3 dân tộc anh em Kinh, Pa Kôh, Vân Kiều cùng sinh sống. Các làn điệu dân ca là một trong những giá trị phi vật thể mà chỉ có đồng bào dân tộc Pa Kôh - Vân Kiều có được.
Trong cuộc sống lao động sản xuất, dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay lao động sản xuất thì những làn điệu dân ca của bà con dân bản vẫn luôn gần gũi, mộc mạc và thân thương.
Ngày nay, các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kôh - Vân Kiều đang dần mai một. Sự xuất hiện của các làn điệu dân ca cũng ít dần theo thời gian. Trước tình trạng đó, những người có uy tín, già làng, nghệ nhân đã chung tay truyền dạy các làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ.
Sinh ra và và lớn lên bên dòng sông Đakrông huyền thoại ở thôn ALiêng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), nghệ nhân Kray Sức đã được nuôi dưỡng bằng những làn điệu dân ca, những khúc hát, phong tục văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Để gìn giữ nét truyền thống đặc sắc đó, nhiều năm nay, nghệ nhân Kray Sức đã lặn lội đến các bản, làng xa xôi để tìm tòi sưu tầm, nghiên cứu hướng phục hồi các làn điệu dân ca.
Gần 20 năm nay, bất kể nắng hay mưa, bước chân của nghệ nhân Kray Sức đã in đậm ở các khe suối, đồi nương, đến với các bản làng xa xôi dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào. Ông liên tục đi để tìm hiểu, sưu tầm các nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc PaKôh, trong đó có những làn điệu dân ca.
Đến nay, nghệ nhân Kray Sức đã sưu tầm và phục dựng 24 kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội, làn điệu dân ca của người Pa Kôh.
Nghệ nhân Kray Sức chia sẻ: "Những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca, các điệu múa cồng chiêng và nghi thức lễ hội đang bị lãng quên dần trong đời sống hiện đại. Bản thân tôi muốn tìm hiểu, nghiên cứu những nét văn hóa đặc sắc ấy với khát khao phục hồi, phổ biến, đưa nó quay trở lại trong đời sống tinh thần của bà con dân bản nơi đây.
Sau khi phục chế lại các nét văn hóa hoàn thiện, tôi đến nhà sàn của các thôn bản để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Làm sao để đưa làn điệu dân ca của người dân tộc Pa Kôh vào trường học để dạy cho các cháu đang là hoài bão to lớn đối với tôi", nghệ nhân Kray Sức nói.
Bên cạnh việc bảo tồn các làn điệu dân ca, nhiều năm qua, nghệ nhân Kray Sức còn nghiên cứu, sưu tầm chữ viết của dân tộc Pa Kôh. Từ đó, ông dùng ngôn ngữ Pakôh để tuyền dạy các làn điệu dân ca, giúp bà con dễ tiếp nhận hơn.
"Một khi đồng bào dân tộc Pa Kôh đọc và viết thành thạo ngôn ngữ dân tộc mình thì đó là nền tảng vững chắc cho việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Kôh được sâu bền và mãi mãi", nghệ nhân Kray Sức chia sẻ.
Với vốn dân ca Pa Kôh sưu tầm, ghi chép được, nghệ nhân Kray Sức bắt đầu sáng tác lời các bài hát: “Lời nhắn gửi con cháu” theo làn điệu Cha Chấp; “Akay pân tưi” theo làn điệu Kăn Aun; “Mong trăng mãi” theo làn điệu Xiêng; “Tiếng ve trên đầu núi” theo nhịp toong trên chòi; “Tiếng gọi già làng” theo làn điệu Kà Lơi - Cha Chấp; “Đoàn kết” theo làn điệu Lân lin...
Cùng với đó, các kịch bản múa cồng chiêng “Ngày hội đoàn kết”, “Hội mùa”, “Lễ hội đâm trâu”, “Pa lư kloc Đung” cũng được ông xây dựng.
Để góp phần đưa làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Kôh lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc anh em, nghệ nhân Kray Sức đã mở lớp dạy hát, truyền đạt các món nhạc cụ cho lớp trẻ ở các bản làng.
Với sự đóng góp của nghệ nhân ưu tú Kray Sức, 9 đội dân ca, dân vũ lần lượt ra đời ở xã Tà Rụt và các bản làng khác của huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị.
Em Hồ Xuân Nêu (ở thôn ALiêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Em rất cảm ơn sự tận tâm truyền dạy các bài dân ca của nghệ nhân Kray Sức. Em sẽ cố gắng học tập và lan toả làn điệu dân ca của dân tộc mình".
Còn em Hồ Thị Phin Thôn ALiêng vui mừng nói: "Được theo học lớp hát dân ca, dân vũ do bác Kray Sức tuyền dạy giúp em càng yêu thích văn hoá của đồng bào dân tộc mình".
Ông Hồ A Duân (Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Việc đưa các bài giảng, các chương trình biểu diễn dân ca của đồng bào dân tộc Pa Kôh vào các lớp học rất thiết thực và đầy ý nghĩa, cần được được các ban ngành quan tâm để được lan toả sâu rộng trong cộng đồng".
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của nghệ nhân Kray Sức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của ông cha, năm 2015, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ông là người đồng bào dân tộc đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được trao tặng danh hiệu này.
Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị đánh giá rất cao công sức của nghệ nhân ưu tú Kray Sức trong việc sưu tầm các làn điệu dân ca, văn học dân gian của đồng bào PaKôh. Ông Sơn cho biết, thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành cùng với nghệ nhân cũng như người dân ở các bản, làng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá vùng cao, nhất là các làn điệu dân ca.
Đến nay, những làn điệu dân ca do nghệ nhân ưu tú Kray Sức sưu tầm đã được các thế hệ con em đồng bào dân tộc Pa Kôh tiếp nối, gìn giữ và biểu diễn tại nhiều chương trình, sự kiện lớn.
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã và đang trở thành quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước cũng như của mỗi người dân. Điều này xuất phát từ tình cảm, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào chính đáng về những gì cha ông ta để lại.
Dân ca là một trong những thành phần tạo nên kho tàng vô giá đó. Sức sống mãnh liệt của làn điệu dân ca, các điệu múa cồng chiêng và nghi thức lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kôh, Vân Kiều đã góp phần quan trọng tạo nên nét hấp dẫn riêng cho văn hóa truyền thống Việt Nam.