Quấy rối tình dục học đường: Khi trường lớp cũng không còn an toàn!
Ai lên tiếng?
Ngày 16/8 vừa qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin nữ sinh năm thứ 3, trường Đại học Thủ đô Hà Nội tố cáo một thầy giáo thuộc khoa Khoa học thể thao và sức khỏe đã có hành vi quấy rối tình dục nữ sinh này trong học kỳ quân sự.
Trong đơn tố cáo gửi tới Hiệu trưởng nhà trường được lan truyền trên mạng xã hội, nữ sinh cho biết lịch học quân sự của em bắt đầu từ ngày 5/6 đến 19/6/2022. Vào ngày 9/6, thầy T. (nhân vật bị tố cáo) đã gọi em ra ngoài hành lang để nói chuyện riêng rồi bắt đầu "động tay động chân, cầm tay, ôm từ phía sau"...
Hay ngày 17/7, Cơ quan CSĐT - Công an TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) cho biết, đơn vị vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hồng (1975, thầy giáo chủ nhiệm Trường THCS Lê Lợi về tội “Dâm ô dưới 16 tuổi”.
Trước đó, ngày 11/7, UBND TP. Chí Linh nhận được đơn tố cáo của phụ huynh một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi (TP. Chí Linh) về việc con em họ bị thầy giáo dạy Ngữ văn tại trường có hành vi sàm sỡ nhiều lần trong năm học 2021-2022.
Gia đình nữ sinh cho rằng, sự việc xảy ra trong thời gian dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý các em khiến cô gái trẻ bị trầm cảm, tự mình dùng dao lam rạch tay, chân nhiều lần.
Đó là những vụ việc được phát hiện, thế nhưng, có một sự thật là “con quỷ” QRTD, vẫn đang hoành hành thầm lặng trong môi trường học đường. Đáng buồn hơn là có những kẻ QRTD, là những giáo viên mà các em rất tôn trọng.
Các hành vi quấy rối tình dục được phân loại dựa trên 3 dạng: quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể. Với học sinh, sinh viên, quấy rối tình dục có thể xảy ra trong các mối quan hệ giữa học sinh, sinh viên với nhau, với cán bộ nhân viên trong trường, nơi làm việc và xảy ra thông qua hoạt động học tập, hoạt động tập thể,…
Khảo sát mới đây của UN Women mới công bố tháng 6 vừa qua, với 1.809 sinh viên và 350 cán bộ, giảng viên ở 3 trường đại học là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho thấy, có 51,8% sinh viên và 30,2% cán bộ, giảng viên đã từng bị quấy rối tình dục trong thời gian 1 năm học. Dù trong một phạm vi nhỏ, nhưng đây là những con số cần phải suy nghĩ.
Mạnh mẽ để đối diện
TS. Nguyễn Bá Đạt, Trưởng bộ môn Tâm lý học tham vấn, khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nếu một người bị quấy rối cả về lời nói, cử chỉ và nghiêm trọng nhất là, có quấy rối đụng chạm thể xác, tổn thương và sang chấn tâm lý sẽ còn lớn hơn; chưa kể đến những hậu quả để lại ở thể chất nạn nhân..
Trên thực tế, nạn QRTD ở học đường đang đối diện với nhiều thách thức. Ở môi trường học đường, tiếng nói đấu tranh, bảo vệ bản thân còn yếu ớt. Đa phần các nạn nhân đều là nữ, sinh viên hay học sinh đều mang sẵn tâm lý che giấu và im lặng, với mong muốn mình sẽ tiếp tục yên ổn học tập và làm việc.
Nhiều nạn nhân chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày, chưa hiểu được tác hại và sự nghiêm trọng của việc bị QRTD. Trong khi đó, đối tượng QRTD các em lại chính là người thầy của mình, nên các em thường có tâm lí sợ hãi, sợ bị trả thù, bị cho ở lại lớp. Vì vậy, phần lớn học sinh lựa chọn cách im lặng, không dám nói với người lớn, gia đình và nhà trường. Hơn nữa, ngay trong tư duy của nạn nhân cũng như những người xung quanh, tâm lý đổ lỗi vẫn còn rất nặng nề: “Tại sao không phải là nạn nhân khác? Mình như thế nào thì mới để xảy ra việc ấy?”.
Chính điều này vô tình đã “tạo điều kiện” cho vấn nạn này hoành hành thầm lặng với những hậu quả khó lường. Rất nhiều những vụ việc quấy rối từ lời nói, đụng chạm trong thời gian dài đã trở thành xâm hại tình dục.
Đã đến lúc cần một liều vắc xin phòng ngừa và giải pháp mạnh mẽ để “nhổ rễ” nạn QRTD học đường.
Để phòng tránh nạn quấy rối tình dục, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân cho rằng, mỗi học sinh/sinh viên cần tự trang bị kiến thức cho bản thân, đặc biệt là sự hiểu biết về vấn đề giáo dục giới tính. Có nhận thức và hiểu biết đúng đắn để làm chủ hành động của bản thân, tránh việc thực hiện những hành vi xấu, không phù hợp với đạo đức và chuẩn mực.
"Rèn luyện ý chí mạnh mẽ và quyết liệt phản ánh, tố giác người thực hiện những hành vi quấy rối. Không im lặng mà hãy lên tiếng để tự bảo vệ chính mình".
Không phải chờ đến khi có nạn nhân mới giật mình, nhà trường cần chủ động tập huấn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng liên quan đến QRTD để học sinh, sinh viên biết rằng, mình luôn là đối tượng được bảo vệ. Hãy biết biết kêu cứu, biết bỏ chạy, biết bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ mất an toàn.
Cùng với đó, vai trò của gia đình cũng vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần trò chuyện và chia sẻ với con, để có thể biết được những tâm tư, những câu chuyện thầm kín, từ đó nắm bắt kịp thời vấn đề, đồng hành và chia sẻ. Có như vậy QRTD học đường mới không có đất sống.