Quốc hội thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc ca, Quốc kỳ
Về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca (khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật), Chính phủ đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Việt Nam đã được quy định tại Điều 13 Hiến pháp 2013. BLHS 2015 và Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Hiện nay, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết.
Quang cảnh phiên họp
Do đó, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như nội dung và phạm vi quy định của Điều 7 (Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ), đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau:“Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài (Điều 89a được bổ sung theo khoản 41 Điều 1 của dự thảo Luật)
Có ý kiến cho rằng việc không kiểm soát an ninh đối với sáng chế “được tạo ra một phần tại Việt Nam” là chưa bảo đảm chặt chẽ, dễ bị lợi dụng”. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng để xác định các nguyên tắc và phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này; việc xử lý đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Về điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, có ý kiến cho rằng quy định luật sư không phải thông qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ là chưa phù hợp, đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc cho phép luật sư được hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp mà không phải thông qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ chỉ áp dụng cho nhóm dịch vụ đại diện nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại… là các đối tượng sở hữu công nghiệp mà việc xác lập quyền chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý, các luật sư có thể đáp ứng ngay.
Quy định miễn trừ này không áp dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là các đối tượng mà việc xác lập quyền dựa trên yếu tố kỹ thuật, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành sâu. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như khoản 2a Điều 155 của dự thảo Luật.