1. Trang chủ /
  2. Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội

Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội

thứ năm, 27/10/2022 08:16 GMT+07
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra.
Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày 27/10 để thảo luận về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Quốc hội cũng thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).

Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.

Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; nhờ đó đã kiểm soát tốt dịch trên phạm vi toàn quốc; đồng thời chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch."

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực. Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục...

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%.../.