1. Trang chủ /
  2. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích: Sẽ xác định rõ cách thức thu, quản lý, sử dụng để vận hành tốt hơn

Quỹ dịch vụ viễn thông công ích: Sẽ xác định rõ cách thức thu, quản lý, sử dụng để vận hành tốt hơn

thứ sáu, 23/6/2023 10:55 GMT+07
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, hôm qua (22/6), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó nhiều ý kiến quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Quang cảnh phiên họp ngày 22/6. Quang cảnh phiên họp ngày 22/6.

Tồn dư Quỹ lên đến 5.427 tỷ đồng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) phân tích, theo quy định của pháp luật và trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông năm 2009 đã đưa ra một nhận định là Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (gọi tắt là Quỹ) chưa đạt mục tiêu đề ra, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc tổ chức thực hiện còn khó khăn và trong thực tế, việc sử dụng Quỹ thời gian qua mới chủ yếu sử dụng, hỗ trợ cho mạng viễn thông và các thiết bị đầu cuối.

Hiện số dư của Quỹ chưa rõ là thu từ phần đóng góp của doanh nghiệp để chi cho hoạt động nào, vì mục tiêu công ích hay là giúp người dân, giúp Nhà nước. Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ là khoản thu có tính chất bắt buộc và nó mang tính chất thuế để bổ sung trên doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông và một số nhiệm vụ chi của Quỹ hiện còn trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích, chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông.

Vì vậy, ĐB Sang đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ Quỹ thuộc về ai quản lý, cơ chế thu, chi rõ ràng, minh bạch và quy định rõ đối tượng chi, vận hành Quỹ. Đồng thời, đánh giá kỹ việc duy trì Quỹ để thực hiện theo đúng Nghị quyết số 792 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Nếu tiếp tục duy trì Quỹ như trong dự thảo Luật, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua, có liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng tính hiệu quả, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước và Luật Phí, lệ phí.

ĐB Nguyễn Đình Việt (đoàn Cao Bằng) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về sự tồn tại của Quỹ. ĐB Việt lý giải, sau giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 792 ngày 22/10/2019.

Trong đó, bên cạnh những đánh giá tích cực, UBTVQH đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, đồng thời yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra, trùng lặp về nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước.

Cho rằng hiệu quả hoạt động của Quỹ rất hạn chế, trong khi việc duy trì Quỹ có nhiều bất cập, tồn dư Quỹ giai đoạn 2016 - 2022 lên đến 5.427 tỷ đồng, ĐB Việt đề nghị cân nhắc không tiếp tục duy trì Quỹ để tránh gây lãng phí nguồn lực nhà nước và nguồn lực của xã hội.

Sẽ đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập

Tiếp thu, giải trình ý kiến ĐB về Quỹ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là quỹ dịch vụ phổ cập, quốc gia nào cũng đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là để phát triển kinh tế số, xã hội số. Nếu Nhà nước nhận lấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách nhà nước thì các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao, Nhà nước sẽ phải đầu tư rất nhiều nên đa số các quốc gia đều chọn cách yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập. Có hai cách để nhà mạng thực hiện việc này, thứ nhất là yêu cầu các nhà mạng phải phủ sóng rộng và thứ hai là các nhà mạng đóng góp vào quỹ để Nhà nước dùng quỹ này phổ cập dịch vụ - đa số các quốc gia đều theo cách thứ hai.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, Quỹ cơ bản giao cho chính các nhà mạng thực hiện, tức là cơ bản nhà mạng nhận lại tiền đóng góp của mình để thực hiện phổ cập dịch vụ. Phổ cập 2G xong rồi đến 3G, 4G, 5G và không dừng lại, Quỹ đã góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ và có điện thoại vào loại nhóm đầu trên thế giới. Nhưng Bộ trưởng thừa nhận, vận hành của Quỹ vừa qua có một số bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo Luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng để Quỹ vận hành tốt hơn thay vì dừng hoạt động Quỹ như ý kiến của nhiều ĐB.

Quỹ của chúng ta ngoài phủ sóng vùng khó khăn còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cả thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của Nhà nước đều dùng Quỹ để hỗ trợ bà con. Cam kết Bộ TT&TT sẽ gửi các ĐB báo cáo bổ sung về hoạt động của Quỹ thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị QH xem xét cho tiếp tục duy trì Quỹ, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xin QH cho đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế để khắc phục các tồn tại.

Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia với 476/482 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, bằng 96,36% tổng số ĐBQH.
Theo Nghị quyết, QH quyết nghị phân bổ 13.369,468 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo QH tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV. Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Đầu tư công. Không thực hiện phân bổ 509,217 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, QH cũng phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và các Chương trình mục tiêu quốc gia.