Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam: 20 năm đồng hành cùng sự nghiệp giữ gìn hòa bình và phát triển đất nước
Cách đây 20 năm, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có việc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên thế giới. Hòa bình và phát triển là xu thế chính, chủ đạo, mở ra những thời cơ thuận lợi, nhưng đồng thời cũng nổi lên các thách thức mới. Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã ra đời như một tổ chức kiểu mới để triển khai các nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thành viên kiểu mới của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam được thành lập theo sáng kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cùng một số nhà hoạt động đối ngoại nhân dân. Ngày 9/4/2003, Đại hội thành lập Quỹ đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, bầu ra ban lãnh đạo, do bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch. Trong suốt quá trình hoạt động, Quỹ đã triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân trên nhiều lĩnh vực đa dạng với phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Qua các hoạt động và sự tham gia của Quỹ trong các diễn đàn, cơ chế đa phương, Quỹ đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ đối với sự nghiệp hòa bình và phát triển của Việt Nam, đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, cho phong trào nhân dân thế giới vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, cho sự phát triển công bằng và bền vững, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, các hoạt động đối ngoại không tổ chức trực tiếp được, Quỹ đã nhanh chóng thích ứng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tranh thủ tối đa kênh trực tuyến để tham gia và tổ chức nhiều hoạt động trên tất cả các mảng công tác.
Kết quả là Quỹ không những duy trì được các hoạt động thường xuyên mà còn tham gia rất hiệu quả trong các cơ chế đa phương truyền thống và các cơ chế mới, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong mạng lưới các tổ chức nhân dân thế giới và khu vực và đấu tranh, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc trên các lĩnh vực biển đảo, dân chủ nhân quyền, chất độc da cam…
Đặc biệt, Quỹ đã đóng góp hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách về những vấn đề trọng đại và cấp bách có liên quan đến việc hoạch định chủ trương và chính sách liên quan đến hòa bình, ổn định và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Các kiến nghị, đề xuất của Quỹ đã được các cơ quan cấp trên đánh giá cao và trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác đối ngoại nhân dân nói chung và công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng. Các hoạt động đối ngoại của Quỹ luôn bám sát đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tuân thủ sự chỉ đạo và đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả
Với uy tín quốc tế và các mối quan hệ đối ngoại rộng rãi của lãnh đạo và các thành viên Quỹ, nhất là uy tín của Chủ tịch sáng lập, nay là Chủ tịch danh dự của Quỹ Nguyễn Thị Bình, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quỹ xúc tiến các mối quan hệ đối tác.
Quỹ hiện có quan hệ đối tác với hàng trăm tổ chức, tham gia nhiều thiết chế đa phương quan trọng như Cơ chế tư vấn phi chính phủ của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC), Uỷ ban Liên Chính phủ về nhân quyền ASEAN (AICHR), Diễn đàn Xã hội thế giới, Diễn đàn Nhân dân Á - Âu (AEPF), Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF), Mạng lưới Đoàn kết nhân dân Nam - Nam, Tổ chức Tiến bộ quốc tế (PI)…
Một trong những nhóm đối tác chính của Quỹ là các tổ chức cánh tả, tiến bộ ở các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Nhóm đối tác quan trọng khác là các tổ chức xã hội dân sự, các viện nghiên cứu chính sách, các học giả tiến bộ tại các nước.
Với số lượng thành viên và nguồn lực khiêm tốn, nhưng trong suốt 20 năm qua, Quỹ là tổ chức hoạt động tích cực trong hệ thống thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác đối ngoại nhân dân cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.