Quy hoạch điện VIII mở ra cơ hội cho nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ phê duyệt (ngày 15/5) đã mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam. Sự chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ đồng thời tạo nên áp lực tài chính lớn hơn để đáp ứng những nhu cầu phát triển về nguồn điện.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm các doanh nghiệp xây lắp điện dự báo sẽ được hưởng lợi sớm nhất từ chính sách nói trên, kế sau đó đó là các nhà phát triển điện gió và điện khí.
Cần 114 tỷ USD hiện thực “xanh” ngành điện
Theo Bộ Công thương, quy hoạch điện VIII định hướng nâng tổng công suất trong nước lên 150.489 MW (đến năm 2030).
Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng với tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm (giai đoạn 2021-2030) và 6,5%-7%/năm (giai đoạn 2031-2050), để chuyển đổi năng lượng công bằng cần quy hoạch đặt mục tiêu năm 2030 tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt từ 30,9-39,2% và định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo là 67,5-71,5%.
Trên cơ sở đó, nhiệt điện khí sẽ ưu tiên sử dụng tối đa cùng với sự phát triển đồng bộ hạ tầng. Đến năm 2050, hầu hết các nhà máy sẽ sử dụng khí hydro, gắn với xây dựng hạ tầng theo quy hoạch với mục tiêu tổng công suất nguồn khí hóa lỏng khoảng 22.400 MW. Vì vậy sau năm 2030, hệ thống lưới điện cũng sẽ phát triển đường dây truyền tải siêu cao áp để khai thác mạnh nguồn điện gió ngoài khơi.
Hơn nữa, ông Phúc cũng nhấn mạnh việc liên kết lưới với các nước trong quy hoạch sẽ cần xây dựng các công trình đấu nối giúp nhập khẩu điện từ các nguồn có hiệu quả kinh tế cao, từ đó phát triển hệ sinh thái dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Từ những dự báo trên, ông Nguyễn Hà Đức Tùng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay nhu cầu vốn lớn để hiện thực hóa tham vọng “xanh” ngành điện cần khoảng 114 tỷ USD (giai đoạn 2021-2030). Trong đó, điện gió khoảng 30% và điện khí 35%.
Đến giai đoạn 2031-50, tổng nhu cầu vốn sẽ tiếp tục tăng mạnh và lên 495 tỷ USD với điện gió yêu cầu cao nhất khoảng 65% tổng nhu cầu, theo sau là điện mặt trời là 18%.
Mặt khác, ông Tùng tính toán nhu cầu về vốn cho phát triển lưới điện sẽ chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu toàn ngành trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 7% của giai đoạn 2031-2050.
“Quy hoạch điện VIII đưa ra được một phương án ‘đủ và xanh,’ tuy nhiên có thể sẽ khó thực hiện hơn quy hoạch điện VII do có sự điều chỉnh tỷ trọng của nhóm điện khí và điện gió rất lớn, trong khi các công nghệ nhiên liệu thay thế như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa hiệu quả để đưa ra thị trường,” ông Tùng đánh giá.
Nhóm chứng khoán ngành điện hưởng lợi
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao trong kế hoạch của quy hoạch điện VIII. Trong đó, đặc biệt là các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo. Thêm nữa là nhóm ngành xây lắp điện, bao gồm đường dây, trạm biến áp kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng tương ứng nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ và tính hiệu quả của hệ thống.
Song, ông Tùng cũng thận trọng chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng của ngành, như chính sách giá năng lượng tái tạo đến nay vẫn chưa rõ ngày được ban hành.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện, tiêu biểu là các mã PC1, FCN, TV2. Theo ông Tùng, đây sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất từ luận điểm này. Trong dài hạn, mã PVS dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi với kinh nghiệm trong những dự án gần đây (như Thăng Long, La Gàn).
Báo cáo của VNDIRECT cũng “điểm tên” nhóm doanh nghiệp điện khí nói chung và điện khí LNG nói riêng có triển vọng tươi sáng nhờ việc sở hữu dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch điện, bao gồm các mã POW, PGV, TV2 và GE2. Ngoài ra, GAS cũng là đơn vị được hưởng lợi từ luận điểm trên, do tham gia vào chuỗi điện khí LNG với việc phát triển các dự án kho cảng LNG.
Theo ông Tùng, quy hoạch điện VIII được ban hành sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp năng lượng tái tạo có kế hoạch tiếp tục phát triển thêm công suất, như các mã BCG, REE, GEG./.
Sau những cam kết mạnh mẽ tại COP26 và mới đây nhất là COP27 với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0,” Chính phủ đã điều chỉnh quan điểm phát triển nguồn điện từ quy hoạch điện VII sang một phương án chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn trong quy hoạch điện VIII.
Quy hoạch điện VIII được đánh giá toàn diện hơn, khi đưa vào cân đối nhiều loại nguồn điện linh hoạt hơn.
Về cơ bản, quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VIII đều được xây dựng nhằm đáp ứng kịch bản phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình khoảng 9% trong giai đoạn 2021-30.
Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó, quy hoạch điện VIII sẽ đẩy mạnh phát triển các giải pháp xanh hơn với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký kết trong năm 2022.