Quy hoạch không đạt yêu cầu sẽ kìm hãm sự phát triển
Nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ
Trình bày Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Dự thảo Quy hoạch), ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Do đó, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ. “Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ lớn, phức tạp, bởi vậy cần xác định đây là cơ hội lớn để đất nước đánh giá lại thực trạng, thực chất, tổng thể nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn, thách thức để đưa ra những định hướng mới cho đất nước, tạo ra động lực tăng trưởng mới góp phần đạt được mục tiêu, khát vọng của Đại hội XIII của Đảng đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trao đổi, phản biện để Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia khắc phục được những hạn chế, yếu kém, góp phần kiến tạo không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bàn về các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các dự án quan trọng quốc gia; phương hướng phát triển đô thị xanh, phát triển bền vững…, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, bản thân hệ thống hạ tầng kỹ thuật có mối liên hệ và chia sẻ không gian phát triển. Tuy nhiên Dự thảo chưa nêu rõ mối quan hệ này để tận dụng không gian phát triển và đảm bảo sự đồng bộ hiệu quả phục vụ. Ngoài ra, bên cạnh 7 lĩnh vực đã nêu trong Dự thảo Quy hoạch, còn một số lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như: hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị; hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hạ tầng kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh... cần được bổ sung vào Dự thảo Quy hoạch.
Công tác quy hoạch phải hài hòa các mối quan hệ
Góp ý kiến đối với định hướng bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia, GS.TS Đặng Kim Chi - Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN) cho rằng, định hướng bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần hướng tới mục tiêu là ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; kiểm soát được các nguồn ô nhiễm, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, từng bước cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Còn theo GS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học - Giáo dục và Môi trường, UBTƯ MTTQVN, mặc dù mang lại nhiều lợi ích quan trọng để sản xuất năng lượng điện nhưng vấn đề thủy điện hiện nay vẫn là một nhức nhối, xảy ra nhiều hệ lụy. Bởi vậy, cần bổ sung và phải đưa vấn đề thủy điện vào một nội dung quản lý tài nguyên nước một cách chặt chẽ và nghiêm túc. Đặc biệt, cần xem xét về lập quy hoạch, lập dự án, khảo sát tác động đối với môi trường, không lấy đất rừng đặc dụng, không ảnh hưởng tới diện tích rừng tự nhiên, đến việc quản lý, vận hành tính toán các tác động lên môi trường sinh thái, không làm thay đổi dòng chảy của các lưu vực sông suối tự nhiên.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xây dựng Dự thảo, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, ngoài quan điểm định hướng lớn, giải pháp chủ yếu khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần quan tâm hài hòa các mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa ổn định đổi mới và phát triển; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giữa kinh tế và quốc phòng, an ninh; giữa kinh tế với văn hóa - xã hội; giữa hiện đại, hội nhập quốc tế với văn hóa dân tộc Việt Nam; mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 223 ra ngày 11/8/2022)