Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa họp để cho ý kiến vào nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc.
Khu di tích Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011, gồm 2 vùng: Vùng lõi 155,5 ha và vùng đệm 4.923 ha. Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch (gọi tắt là Quy hoạch) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015. Phạm vi và quy mô quy hoạch liên quan đến Thị trấn Vĩnh Lộc và 09 xã với diện tích 5.078,5 ha (bao gồm: Vùng lõi rộng 155,5 ha với 3 hợp phần di sản thế giới là Thành Nội, La Thành và Đàn Tế Nam Giao; Vùng đệm Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, tổng diện tích 4.923ha)…
Để có cơ sở pháp lý và khoa học để quản lý tốt công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di sản thế giới Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch văn hóa, sinh thái cảnh quan bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giáo dục truyền thống, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân,... việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được phê duyệt là rất cần thiết, để điều chỉnh quy hoạch khu vực vùng đệm - nơi tồn tại nhiều vấn đề giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mục tiêu dài hạn lập điều chỉnh Quy hoạch là: Bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản. Điều chỉnh các khu chức năng thuộc vùng đệm để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và du lịch một cách bền vững trên nguyên tắc bảo tồn di sản. Xây dựng thị trấn Vĩnh Lộc thành đô thị di sản, kết nối với bờ Đông sông Bưởi hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, có chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về mục tiêu ngắn hạn, Quy hoạch là cơ sở pháp lý và khoa học để tỉnh Thanh Hóa quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di sản thế giới Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Lộc, gắn với phát triển du lịch của tỉnh, của quốc gia nói chung được thuận lợi, đồng bộ và hiệu quả. Quy hoạch là cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.
Quan điểm Điều chỉnh Quy hoạch là giữ nguyên nội dung quy hoạch khu vực vùng lõi của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, bao gồm 3 hợp phần: Thành Nội, La Thành và Đàn Tế Nam Giao (155,5 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch là rất cần thiết. Thành Nhà Hồ là Di sản văn hoá thế giới, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, văn hoá rất sâu sắc và quan trọng. Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015. Tuy nhiên sau 8 năm thực hiện, quá trình phát triển của đời sống xã hội đã đặt ra yêu cầu cần phải có sự điều chỉnh Quy hoạch để làm tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích; đồng thời đảm bảo hài hoà với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trong vùng di sản.
Việc lập điều chỉnh Quy hoạch phải đảm bảo tính chất “bảo tồn gắn với phát triển, phát triển để làm tốt hơn công tác bảo tồn”; điều chỉnh quy hoạch không được ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích, nhưng cũng không cản trở sự phát triển của địa phương. Huyện Vĩnh Lộc và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải đấu mối chặt chẽ, lựa chọn được tư vấn có kinh nghiệm và tầm nhìn để tư vấn điều chỉnh quy hoạch sát thực tế, tháo gỡ được các điểm nghẽn trong Quy hoạch năm 2015.
Hiện tại có hơn 350 hộ dân đang sinh sống quanh khu vực Thành Nhà Hồ cần sớm được di dời, ổn định tái định cư trả lại không gian cho di tích. Tuy nhiên kinh phí để thực hiện được là rất lớn. Thời gian trôi qua, nhà cửa cả các hộ dân xuống cấp cần được sửa chữa, làm mới và các hộ có con lớn lập gia đình sẽ tách ra ở riêng, số hộ dân sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy cần tính toán, bố trí nguồn vốn để chia giai đoạn thực hiện di dời, tái định cư cho các hộ một cách hợp lý vừa bảo vệ di tích nhưng cũng đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.