Quy định mới từ năm 2023 mà người mua ô tô và học lái xe cần lưu ý
Bắt buộc thi thực hành lái xe ô tô trên cabin ảo
Từ năm 2023, việc học và thi lấy Giấy phép lái xe ô tô (GPLX) tại Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn bởi các quy định mới; trong đó, đáng chú ý nhất là việc học viên phải học thêm chương trình lái xe trên cabin mô phỏng.
Bắt buộc thi thực hành lái xe ô tô trên cabin ảo
Từ năm 2023, việc học và thi lấy Giấy phép lái xe ô tô (GPLX) tại Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn bởi các quy định mới; trong đó, đáng chú ý nhất là việc học viên phải học thêm chương trình lái xe trên cabin mô phỏng.
(Ảnh: Nhân Dân).
Cụ thể, ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến việc học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng.
Theo đó, từ ngày 1/1/2023, tất cả các trung tâm đào tạo lái xe ô tô sẽ phải đồng loạt tổ chức giảng dạy môn học lái ô tô trên cabin mô phỏng.
Ngoài học lái xe trên cabin mô phỏng, theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa bởi Thông tư 04/2022/TT-BGTVT, một khóa học lái xe ô tô sẽ gia tăng các nội dung như sau:
- Với bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái xe ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ (riêng học nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng).
- Học viên học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như vận hành xe, thực hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài thi sa hình. Sau đó, học viên sẽ được tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình phức tạp như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố.
Theo quy định mới, mặc dù thêm nội dung môn học nhưng tổng thời gian của cả khóa học lái xe vẫn được giữ nguyên. Học viên sẽ giảm bớt thời gian học thực hành ngoài sân tập; thay vào đó là học ở cabin mô phỏng.
Thí điểm bán đấu giá biển số ô tô
Ngày 15/11/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Theo đó, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao…
Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, bước giá là 5 triệu đồng.
Người trúng đấu giá biển số xe ô tô sẽ được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sau khi nộp đủ số tiền trúng đấu giá; được đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số xe ô tô trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở.
Người trúng đấu giá biển số ô tô cũng được giữ lại biển số xe đã trúng đấu giá trong trường hợp xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu; được cấp lại biển số xe ô tô trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá khi bị mất, bị mờ, hỏng.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong 3 năm.
Quy định mới về đăng kiểm xe ô tô
Theo Thông tư 28/2022 quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải, từ ngày 1/2/2023, thông tin tối thiểu trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm đối với xe ô tô, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ bao gồm các thông tin như: số quản lý, biển số xe, nơi đăng ký…; còn đối với xe mô-tô và xe gắn máy gồm thông tin về nguồn gốc, số giấy chứng nhận, ngày cấp giấy chứng nhận…
Cũng theo Thông tư 28/2022 của Bộ Giao thông Vận tải, căn cứ khoản 4 Điều 9 có quy định về đối tượng, phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện gồm: Thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Bộ Giao thông vận tải; Kết nối trực tiếp giữa hệ thống thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện và hệ thống thông tin của tổ chức sử dụng dữ liệu; Tra cứu thông tin trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý dữ liệu đăng kiểm phương tiện; Cung cấp thông tin dạng văn bản.
Đặc biệt, trong năm 2023 này, việc đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới có thể sẽ được bãi bỏ. Năm ngoái, Cục CSGT đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với các phương tiện cơ giới đường bộ mới xuất xưởng, còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất. Sau 6 tháng đánh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổng hợp trình Bộ Giao thông Vận tải phương án thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu mới.