Quy định mới về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
Quy định có một số điểm đáng chú ý. Quy định 80 gồm 6 chương 34 điều. Chương 1, quy định chung gồm 3 điều; Chương 2 về phân cấp quản lý cán bộ, trong đó nêu rõ về: Phân cấp quản lý cán bộ. Đánh giá cán bộ. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ. Kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ. Đáng chú ý, tại chương 2, quy định của Trung ương nêu rõ trách nhiệm quản lý và quyết định đối với cán bộ; trong đó có quy định: Trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như trách nhiệm và quyền hạn của các cấp ủy trực thuộc Trung ương. Quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 6 của chương 2 khi nói về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị nêu rõ: Bộ Chính trị quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. “Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để: Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ.
Kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”- quy định nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Chính trị có trách nhiệm và quyền hạn trong: Quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư và Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương.
Chương 3 của Quy định khi nói về bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định nêu nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín của cán bộ; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Và “Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật”. Cụ thể, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách. 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo. 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức. Về quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định này vẫn giữ nguyên quy trình 5 bước.
Quy định 80 dành 1 chương về điều động và biệt phái cán bộ. Trong đó quy trình điều động gồm 3 bước và quy trình biệt phái cũng gồm 3 bước.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (18/8/2022); và thay thế Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.