Quy định sở hữu chung cư, cần phân định với quyền sở hữu tài sản
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, nếu dự án Luật này được thông qua theo kế hoạch thì dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Điểm mới đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận đối với dự thảo lần này là quy định thời hạn sở hữu chung cư do có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân.
TS. Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, giảng viên ĐH Fullbright cho biết, liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá; Luật Xây dựng và các Luật liên quan; Luật Nhà ở (khoảng 230 điều); Luật Kinh doanh Bất động sản…Do đó, quá trình sửa đổi luật phải làm thế nào để tránh luật này chồng chéo luật kia, phải làm sao để các điều luật vẫn thống nhất, không mâu thuẫn.
Cũng theo ông Nghĩa, Luật Nhà ở hiện nay được công chúng quan tâm vì liên quan đến quyền về tài sản. Đây cũng là vấn đề được quy định trong nhiều bộ luật khác nhau như dân sự, nhà ở,… Thế nên việc chăm chú sửa đổi một điều luật sẽ tạo ra sự không nhất quán.
Vị chuyên gia này cho biết, điều ông mong muốn nhất chính là sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bởi nếu không thì chính bản thân người dân không an tâm.
Đơn cử như vấn đề quy định thời hạn chung cư 50 năm, 70 năm. Quy định này sẽ can thiệp vào quyền tài sản. Vấn đề chung cư là tính an toàn, là việc đưa vào lưu thông tài sản đó như thế nào. Về quyền tài sản, không ai có thể cấm người dân mua. Nhưng tài sản đó có đảm bảo an toàn hay không lại thuộc về quyền quản lý.
Nêu vấn đề này, ông Nghĩa cho rằng nên phân định rõ vấn đề quản lý hành chính và quyền tài sản của người dân, quyền thoả thuận kinh doanh giữa doanh nghiệp và người mua nhà.
Ông Nghĩa cho biết thêm, tại Trung Quốc, các quy định về quyền tài sản được dồn vào một luật. Điều này giúp cho các thế hệ khi sở hữu tài sản họ cảm thấy an tâm. Còn vấn đề quản lý thuộc về hành chính. Người mua nhà đều muốn tin tưởng vào hệ thống luật sẽ không thay đổi trong vài năm nữa.
Vị chuyên gia này nói thêm, sửa luật đừng làm cho cành cây sum xuê hơn thì cái cây sẽ dễ bị mất gốc. Nên sửa làm sao để tỉa gọn nhẹ các cành. Sửa luật đừng quên cái gốc và làm thế nào để người dân cảm thấy an tâm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, về vấn đề thời hạn sở hữu chung cư, cần phân biệt rõ: niên hạn sử dụng chung cư và quyền sở hữu tài sản. Ông Lực cho rằng, ngay cả Singapore cũng có quy định về thời hạn sở hữu chung cư. Quyền sở hữu tài sản không dùng đến nhưng niên hạn sử dụng chung cư là nên có.
Nhưng vấn đề đặt ra, vậy làm thế nào để xác định được thời hạn của chung cư, là 50 năm hay 70 năm. Ai sẽ quyết định cái niên hạn này? Vì điều này rất quan trọng và liên quan đến giá bán. Vì giá chung cư 50 năm khác giá chung cư 70 năm.
Tác động của niên hạn chung cư đến thị trường bất động sản là có. Những chung cư cũ sẽ không chịu chi phối bởi luật này bởi nó vô thời hạn. Người dân sẽ đổ xô đi mua chung cư vô thời hạn và giá chung cư đã qua sử dụng sẽ bị đẩy lên.
Còn liên quan đến chung cư mini, ông Lực cho rằng, cần phải bắt buộc đưa vào diện quản lý vận hành như tòa chung cư hiện nay. Ở góc độ khác, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu vấn đề tranh luận có nên áp dụng thời gian sở hữu nhà chung cư 50 - 70 năm hay không và nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu.
“Tất cả các tài sản thì nó đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy, do đó khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá là nhà đó còn tiếp tục ở được không. Nếu cần phải sửa chữa, thậm chí xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó, còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân”, ông Tuyến nêu quan điểm. Trung Hiếu