Quyền tác giả trong thời đại số
Hành trình vì quyền tác giả
Từ giai đoạn đầu với số lượng thành viên là 274 nhạc sĩ, sau 20 năm, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt (VCPMC) phát triển đến gần 5.200 tác giả. Tổng số tiền VCPMC đã thu được qua 20 năm (2002 - 2021) là: 1.063 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2022, Trung tâm đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thu nhập tiền bản quyền tác phẩm Việt Nam thu về được từ các tổ chức nước ngoài (CMOs) kể từ năm 2010, sau khi VCPMC gia nhập CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời) và bắt đầu mở rộng ủy quyền với các tổ chức song phương trên thế giới đến nay đạt 19.990 tỷ đồng và tăng dần trong các năm.
Hiện VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh -truyền hình, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc... Giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo, VCPMC tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan; đồng thời triển khai phần mềm “VCPMC Music Connection”... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và bảo đảm quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
Cảnh giác khái niệm “phân phối bản quyền”
Trong khuôn khổ bảo vệ quyền tác giả của VCPMC, theo báo cáo tổng kết, từ năm 2018 đến nay, VCPMC đã đưa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả ra Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết bằng biện pháp dân sự hoặc hành chính. Tổng số có 30 vụ việc, trong đó: 12 vụ việc đã có kết quả giải quyết (trong đó có 3 vụ việc đã có bản án; 9 vụ việc hòa giải thành hoặc bên bị đơn khắc phục hậu quả, thanh toán tiền tác quyền); 11 vụ việc đang trong quá trình giải quyết tại Tòa án; 2 vụ việc đang yêu cầu xử lý đến Cơ quan Thanh tra; 7 hồ sơ vụ việc đang tiếp tục hoàn thiện để khởi kiện.
Theo thống kê của VCPMC cũng như theo phản ánh từ các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra tập trung ở các lĩnh vực: biểu diễn nghệ thuật, hoạt động biểu diễn công cộng hoặc sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ, mua sắm, lĩnh vực truyền đạt, sao chép tác phẩm trên các ứng dụng, website âm nhạc, mạng xã hội và lĩnh vực truyền hình… Tình trạng một số đơn vị kinh doanh, khai thác bản ghi đã vận dụng Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ để thuyết phục khách hàng của họ, gây nhầm lẫn về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan cũng như cách hiểu chưa đầy đủ về điều luật này.
Cụ thể, Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao” để cho rằng không cần phải xin phép quyền tác giả, trong khi Điều 18, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ các quyền tài sản thuộc quyền “độc quyền thực hiện” của tác giả, tổ chức/cá nhân khi sử dụng có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao. Tình trạng này đã kéo dài và gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến nhận thức của nhiều đơn vị sử dụng, đặc biệt là các hệ thống kinh doanh lớn. Nhạc sĩ Đình Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm cho biết: “Bộ phận pháp chế của VCPMC luôn hoạt động tích cực không chỉ trong rà soát, đối soát, lập vi bằng, báo cáo vi phạm và xử lý vi phạm quyền tác giả trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, hàng ngày bộ phận pháp chế còn tham vấn cho Ban Tổng Giám đốc cũng như tư vấn pháp luật cho các nhạc sĩ, tác giả thành viên các vấn đề liên quan để chính các tác giả thành viên cũng có thêm kiến thức pháp luật để tự bảo vệ tài sản của mình. Điển hình là các chương trình biểu diễn, các hình thức phân phối, kinh doanh bản ghi với việc đánh tráo khái niệm “phân phối bản quyền” gây ngộ nhận cho người sử dụng mà không thực hiện xin phép, trả tiền tác giả”.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh bày tỏ mong muốn và kỳ vọng VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, đưa ra những cảnh báo vi phạm nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như hạn chế tối đa xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, nhất là trên môi trường số hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ 4.0.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cho biết hiện tác quyền cũng chia thành nhiều nhóm. Có nhóm tác giả năm nào cũng nhận hơn 1 tỉ đồng, có nhóm khoảng 1 tỉ đồng, có nhóm 700 - 800 triệu đồng, nhóm nhận 400 - 500 triệu đồng. Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thu hơn 1,2 tỉ đồng trong năm 2021, nhạc sĩ Hoài An cũng cho biết số tiền tác quyền anh thu được hiện nay gấp vài trăm lần thời kỳ đầu. Việc ký hợp đồng với VCPMC giúp quyền lợi của họ được đảm bảo, đồng thời yên tâm hoạt động sáng tạo. VCPMC còn hỗ trợ nhạc sĩ bảo vệ quyền tác giả.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, năm 2008, bài “Vầng trăng khóc” do anh sáng tác bị một số đơn vị của nước ngoài sử dụng. Điều này khiến nhiều người cho rằng anh đạo nhạc. Nhờ VCPMC gửi đơn lên Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời CISAC để kiểm tra, bài hát được công nhận là của anh.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 270 ra ngày 27/9/2022)