Quyết liệt ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội: Kỳ 3 - Tháo gỡ bế tắc đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm
Chế tài mạnh là chưa đủ…
Là công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, TP Hải Phòng, chị Lương Thị Tho trông đợi các giải pháp mạnh mẽ để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ). Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, chị Tho đề nghị Quốc hội (QH) khi sửa đổi Luật BHXH cần có các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để hạn chế tình trạng này gia tăng. Pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của NLĐ khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ NLĐ khi gặp khó khăn để NLĐ không phải chọn rút BHXH một lần.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được trình QH xem xét cũng đã bổ sung chế tài mạnh đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH nhưng theo một số ý kiến, việc quy định cần chặt chẽ hơn để tránh doanh nghiệp lợi dụng “lách” luật. Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Thị Thủy cho biết, tại điểm c khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật quy định: “Trốn đóng BHXH là trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH mặc dù có khả năng đóng”. Bà đề nghị cần phải cân nhắc cách bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật.
Bà Thủy phân tích, Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng BHXH có quy định “người nào có nghĩa vụ đóng BHXH mà không đóng thì thuộc trường hợp trốn đóng BHXH”. Còn dự thảo Luật đặt vấn đề là “người nào có khả năng đóng mà không đóng thì thuộc trường hợp trốn đóng”. Theo bà Thủy, sẽ rất khó xác định khi nào gọi là “không có khả năng đóng BHXH”, trong khi hàng tháng người sử dụng lao động vẫn trích trừ tiền lương của NLĐ để đóng bảo hiểm. Bà Thủy lo rằng nếu quy định như trên thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do là làm ăn kinh doanh gặp khó khăn nên không có khả năng đóng thì sẽ không thể xử lý được về hành vi trốn đóng BHXH.
Hay về quy định hoãn xuất cảnh, bà Thủy đề nghị, cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này để không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật hình sự. Bởi, theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự và Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự, người nào có hành vi trốn đóng từ 6 tháng trở lên kèm theo một số dấu hiệu khác là cấu thành tội trốn đóng BHXH. Trong khi đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đặt vấn đề là phải trốn đóng 12 tháng trở lên mới bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh.
Quy định phải bảo đảm tính khả thi
Đối với việc Công đoàn khởi kiện hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH cho NLĐ, mặc dù Công đoàn hết sức cố gắng nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật nên đến nay vẫn bế tắc. Để tháo gỡ, chị Lương Thị Tho đề nghị QH sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn; bỏ quy định trong dự thảo Luật BHXH về việc Công đoàn khởi kiện phải được NLĐ ủy quyền, vì Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho NLĐ theo Điều 10 Hiến pháp và Điều l Luật Công đoàn. Nếu yêu cầu NLĐ ủy quyền sẽ tăng thêm thủ tục hành chính; đối với những doanh nghiệp đông công nhân, vài chục nghìn người sẽ rất tốn kém thời gian, công sức và thiếu tính khả thi. Thay vào đó, theo chị Tho, chỉ cần NLĐ đề nghị với Công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ.
Bà Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, nếu chỉ sửa Luật BHXH theo hướng tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện đối với hành vi BHXH để bảo vệ quyền lợi của NLĐ thì sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay. Bởi quyền khởi kiện của Công đoàn đang chịu sự ràng buộc của 4 đạo luật, bao gồm Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, 4 đạo luật này đang có sự không thống nhất trong quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn. Có luật giao cho các cấp Công đoàn, có luật giao cho Công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, nhưng có luật giao cho Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện khiến Công đoàn rất lúng túng trong triển khai thực hiện.
Qua giám sát, bà Thủy thấy rằng việc chỉ quy định cho Công đoàn cấp cơ sở có quyền khởi kiện đối với hành vi trốn đóng BHXH, chậm đóng sẽ không tránh khỏi tâm lý gây e ngại, vì cán bộ Công đoàn cấp cơ sở hưởng lương từ doanh nghiệp. Đáng lưu ý, quy định ách tắc nhất hiện nay là khi Công đoàn đứng ra khởi kiện phải có sự ủy quyền của từng NLĐ. Do đó, cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, bà Thủy kiến nghị QH đưa vào dự thảo Luật BHXH quy định sửa đồng thời cả Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Công đoàn về vấn đề này với 2 nội dung cụ thể. Đó là giao cho Công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là Công đoàn cấp cơ sở như hiện hành; đồng thời quy định nếu Công đoàn đứng ra khởi kiện thì không cần phải có ủy quyền của NLĐ.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà đề nghị, cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang khá bế tắc trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Theo quy định của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), có hai chủ thể có quyền và trách nhiệm khởi kiện đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là Công đoàn và cơ quan BHXH. Ngoài việc khởi kiện về dân sự, dự thảo Luật cũng quy định cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật BHXH (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định, có thể là 3 tháng.
Cho rằng quy định trên là chưa đầy đủ, bà Hà đề nghị chỉnh sửa, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 37 theo hướng sau: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, không chỉ cơ quan BHXH mà tổ chức công đoàn và NLĐ cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, không chỉ cơ quan BHXH mà tổ chức Công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động BHXH và NLĐ đều có quyền kiến nghị, khởi tố theo quy định của pháp luật. Song song với đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Nếu không, việc khởi tố, khởi kiện sẽ tiếp tục bế tắc như hiện nay.
Cho người lao động quyền tự quyết
Đại biểu QH Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) phản ánh, các cơ quan liên quan đã nhiều lần thảo luận, trao đổi, đưa ra các biện pháp quản lý đóng BHXH bắt buộc nhưng hiệu quả vẫn thấp. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng kéo dài chủ yếu trong khu vực sản xuất kinh doanh, không có phương thức giải quyết cơ bản dứt điểm. Theo Đại biểu, tại sao không coi các khoản đóng BHXH bắt buộc như khoản thu thuế và quy định chế độ quản lý thu BHXH bắt buộc như quản lý thu thuế? Nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển cho cơ quan BHXH. Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH bắt buộc được xử lý hình sự theo pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài.
“Nếu chúng ta áp dụng kinh nghiệm quản lý thu BHXH bắt buộc của các nước, chắc chắn là hiệu quả quản lý sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo sửa đổi luật không cần thiết để giảm nhẹ quy định về thanh tra, kiểm tra, tố tụng, khiếu kiện, giải quyết, xử lý vi phạm và giảm nhẹ các bộ phận quản lý thu”, bà Thúy phân tích.
Còn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên tiếp tục giữ quy định doanh nghiệp đóng 22% BHXH hàng tháng cho NLĐ. Quy định này hạn chế như “miếng mỡ để miệng mèo”, đa số doanh nghiệp thấy “xù” được là “xù”, không đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ, trong khi NLĐ vẫn phải đóng mỗi tháng 8%. Tới đây, cần sửa đổi theo hướng doanh nghiệp sẽ tính toán phần 22% này vào lương trả cho NLĐ để NLĐ tự mua, khi tự mua thì NLĐ sẽ có trách nhiệm hơn, cần là họ sẽ mua.
Bà Lan chỉ ra, trường hợp xấu nhất là NLĐ lĩnh số tiền đó mà không mua BHXH thì ít nhất họ vẫn có lợi do đã nhận phần 22% đó, còn hơn là để doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH. Nếu chúng ta cứ giữ quy định người sử dụng lao động đóng 22% là vẫn còn tình trạng khi xảy ra chuyện sẽ đổ qua đổ lại trách nhiệm rồi lại không rõ ai sẽ đi kiện, đi đòi quyền lợi cho NLĐ.