Rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Tập trung nội dung có tác động lớn, kẽ hở có thể lợi dụng
Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm, được Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược kể từ Đại hội thứ XI đến nay.
Kể từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, đã dành nhiều thời gian và nguồn lực để tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Hàng tháng, Chính phủ có cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; dành nguồn lực về tài chính cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là chỉ đạo Bộ Tư pháp quan tâm, tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, để nâng cao chất lượng công tác này, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đối với công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản mới; đồng thời rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội, nhân dân và đặc biệt là giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã đạt được những kết quả, nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Quốc hội thời gian qua cũng chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, ủng hộ Chính phủ và nhiều kiến nghị của Chính phủ được QH xử lý rất nhanh, như nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là trong thời kỳ chống dịch.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã có Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó giao nhiệm vụ cho Chính phủ rà soát lại những vướng mắc, bất cập trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật đối với một số lĩnh vực.
Trên cơ sở nghị quyết đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, thành lập Tổ Công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng và cơ quan thường trực là Bộ Tư pháp.
Trong thời gian rất nhanh, rất gấp nhưng Tổ Công tác đã rất tích cực, đặc biệt là vai trò của Bộ Tư pháp, đã có báo cáo kết quả rà soát theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Còn nhiều văn bản có quy mâu thuẫn, chồng chéo
Trình bày Báo cáo về kết quả rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của QH tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Tổ phó thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống VBQPPL (Tổ Công tác) cho biết, tổng số VBQPPL đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 455 văn bản, gồm 61 luật, nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, 195 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 199 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành.
Trong đó, đối với 22 lĩnh vực trọng tâm và 1 lĩnh vực pháp luật khác, có 16 văn bản (bao gồm 8 luật, 6 nghị định và 2 văn bản QPPL cấp bộ) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Có 93 văn bản (bao gồm 23 luật, 2 nghị quyết của QH, 1 pháp lệnh của UBTVQH, 43 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 văn bản QPPL cấp bộ) có quy định bất cập hoặc vướng mắc.
Có 1 văn bản (luật) có quy định theo đánh giá của nhiều cơ quan là còn “sơ hở”. Vấn đề này tuy vẫn còn ý kiến khác nhau trong việc xác định thế nào là quy định có “sơ hở” (hiện chưa có tiêu chí hay quy định đưa ra “chuẩn chung” để xác định) nhưng đã được chỉ ra tại Báo cáo số 1360-BC/ĐĐQH15 của Đảng đoàn QH.
Đối với nhóm lĩnh vực được các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất, có 3 văn bản (trong đó có 1 nghị định của Chính phủ và 2 Thông tư của Bộ trưởng) thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường có quy định bất cập, vướng mắc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị, đề xuất.
Trình bày Dự thảo Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, dự thảo Báo cáo của Chính phủ gồm có 3 phần, bao gồm quá trình thực hiện, kết quả rà soát và nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất, kiến nghị.
Dự thảo Báo cáo chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (3 nhóm tồn tại, hạn chế và 4 nguyên nhân), trong đó đáng chú ý là nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, được phát hiện qua rà soát và phương án đề xuất xử lý sau rà soát còn chung chung, không rõ ràng, không cụ thể; nhiều nội dung được nêu trong các báo cáo rà soát chưa chính xác; vấn đề được cho là vướng mắc, bất cập thực chất là do cách hiểu và áp dụng pháp luật, không phải do quy định của pháp luật.
Ở phần kết quả rà soát, về nhận xét, đánh giá, Dự thảo Báo cáo của Chính phủ nêu một số mặt tích cực, trong đó có việc các cơ quan đã tổ chức rà soát cơ bản đầy đủ đối với những văn bản thuộc đối tượng rà soát; Bộ Tư pháp - Thường trực Tổ công tác thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản việc tổng hợp, phân loại kiến nghị phản ánh của các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc của hệ thống VBQPPL, trọng tâm là 22 lĩnh vực được yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Về kiến nghị, đề xuất, Dự thảo Báo cáo nêu 4 nhóm kiến nghị, đề xuất, trong đó lưu ý 2 nhóm kiến nghị, đề xuất về các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL và các cơ quan đơn vị liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại Báo cáo này là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho việc nghiên cứu, chủ động đề xuất xử lý (xác định lộ trình cụ thể) các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đồng thời, tăng cường công tác thẩm tra, giám sát của QH, các Ủy ban của QH trong việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; thực hiện việc giải thích pháp luật trong trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện pháp luật. Tăng cường cơ chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị, ý kiến đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội, lãnh đạo các địa phương cơ bản nhất trí với những nội dung của Dự thảo Báo cáo của Chính phủ.
Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cũng nêu một số đề xuất để xử lý những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc đã được chỉ ra.
Kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp
Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh quan trọng nhất là nội dung báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Báo cáo tập trung vào phát hiện bất cập, vướng mắc về hệ thống pháp luật, phân tích, đánh giá và thống nhất những vướng mắc để trên cơ sở đó đề ra giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
“Những việc, nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thì chúng ta chủ động. Đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì đây là một cơ hội để Chính phủ rà soát, đề xuất với UBTVQH, QH để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Báo cáo tập trung vào những nội dung có tác động lớn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực hành pháp, cản trở cho việc huy động các nguồn lực, hay là kẽ hở có thể lợi dụng để có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội khi thực hiện rà soát VBQPPL.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổ công tác, Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị để hoàn chỉnh Báo cáo trong thời gian sớm nhất, trình theo đúng tiến độ.