Rộn ràng âm vang cồng chiêng của đồng bào Ba Na ở Thủ đô
thứ hai, 27/3/2023 11:18 GMT+07
Cồng, chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá của đồng bào Tây Nguyên, đến nay Lễ hội cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính vì vậy hầu hết các lễ hội của đồng bào không thể thiếu âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng
Sáng 26/3, tại không gian làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, đồng bào người Ba Na (Tỉnh Gia Lai) đã tái hiện lễ Cầu an, đặc biệt trong lễ hội có nghi thức cúng cồng chiêng.
Sáng 26/3, tại không gian làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, đồng bào người Ba Na (Tỉnh Gia Lai) đã tái hiện lễ Cầu an, đặc biệt trong lễ hội có nghi thức cúng cồng chiêng. Một số hình ảnh đồng bào Ba Na (Gia Lai) biểu diễn cồng chiêng tại không gian Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)
Từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng đều có “hồn” và có thần linh trú ngụ. Các vị thần càng lâu đời thì càng linh thiêng và có sức mạnh. Mặt khác, luật tục người Ba Na trước đây không cho phép đánh cồng, chiêng một cách tùy tiện. Họ quan niệm rằng: âm thanh của cồng, chiêng vang rất xa, các vị thần sông, suối, núi rừng, linh hồn ông bà đã mất... nghe được sẽ đến thăm. Khi họ đến nếu không có thịt để ăn, không có rượu để uống thì các vị thần sẽ phạt. Già Làng Đinh Bri và Đinh Hyor làm nghi thức cúng, xin phép những người đã khuất lấy cồng chiêng để phục vụ đánh trong buổi lễ của làng, mong những người đã mất chứng kiến, tạo điệu kiện cho người dân của làng không ốm đau, đánh chiêng âm vang không bị hư chiêng. Lễ cúng đơn giản chỉ với tấm lá chuối xanh, rượu khô và vỏ trứng gà để xin người đã mất. Theo tiếng Ba Na “Ching là cồng” “chiêng là chêng” hay còn được biết “cồng là cái có núm, chiêng là không có núm”. Cồng chiêng có đủ các loại kích cỡ từ thước 5 (50cm) đến thước 8. Cồng chiêng của người Ba Na có số lượng từ 12 đến 14 chiếc, trong đó chiêng lớn nhất là thước 8. Bởi vì cồng, chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá, thước đo sự giàu có của các gia đình đối với dân tộc Ba Na. Cồng, chiêng được đổi bằng rất nhiều giá trị khác như con trâu, con bò. Gia đình, dòng họ nào có nhiều bộ chiêng quý, có nhiều nồi đồng hay ché quý thì không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn thể hiện sức mạnh, vị trí cao quý trong cộng đồng của làng. Do giá trị của cồng, chiêng quý giá và thiêng liêng nên người dân tộc không tùy tiện mượn của người khác để sử dụng, hoặc nếu chủ nhà cho mượn cồng chiêng thì chủ nhà phải xin phép người đã mất. Trường hợp nếu người mượn làm vỡ, hư 1 chiếc thì để mượn sau này rất khó. Hầu như không có lễ hội hoặc một sinh hoạt cộng đồng nào của người dân tộc Ba Na mà không có cồng, chiêng. Cồng, chiêng dùng trong sinh hoạt cộng đồng thể hiện rõ nhất là trong lễ hội, cưới xin hoặc sau khi hoàn thành những công việc tỉa lúa, ăn lúa mới, đóng cửa kho hay đám chết… Trong các sự kiện, việc lấy cồng, chiêng ra đánh (đánh chiêng là phải đủ cả bộ), âm thanh của cồng, chiêng như báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của chủ nhà đối với trời đất, cộng đồng. Vì thế, trước đây người Ba Na không lấy cồng, chiêng ra đánh một cách tùy tiện nếu không có sự kiện đặc biệt và trong các sự kiện đó luôn phải có rượu cần, thịt và các già làng. Kể cả trống cũng không được phép tùy tiện đánh dù chỉ 1 đến 5 nhịp đánh. Nếu đánh trống mà không được cho phép của già làng hoặc có lễ hội thì già làng sẽ phạt bằng một rượu ghè và con gà.