1. Trang chủ /
  2. “Rộng cửa” nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam

“Rộng cửa” nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam

thứ sáu, 16/2/2024 08:18 GMT+07
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 ở các lĩnh vực liên quan…
Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST).

Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST).

Thiếu khoảng 20.000 nhân lực 5 năm tới

Tại Việt Nam, công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai từ nhiều năm nay và đạt chất lượng cao, vào nhóm các ngành nghề xếp hạng cao trên thế giới. Tuy nhiên, số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất ít so với tiềm năng và nhu cầu phát triển.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đạo tạo (GD&ĐT), đào tạo nhân lực ngành thiết kế vi mạch đang được ngành Giáo dục rốt ráo triển khai. Theo đó, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 9/2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất đẩy mạnh là hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trong giáo dục, đào tạo.

Cụ thể, Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn - vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn - vi mạch tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (Đại học Fullbright), trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Hiện số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người. Theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm; trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM (viết tắt của 4 khối ngành: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematic (Toán học). Trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata… Trong giai đoạn 2019 - 2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng 2 đề án quan trọng: Thứ nhất, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao. Bộ đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch.

Thứ hai, đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin, trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Intel về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Năm 2024, sẽ tuyển 1.000 chỉ tiêu vi mạch

Tọa đàm Công nghệ bán dẫn - Nền tảng của thế giới hiện đại tại Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023. (Ảnh: BTC)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á về đào tạo ngành toán và hóa học. Đây là nền tảng tốt để đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.

Hiện nay, một số ngành đào tạo nền tảng để phát triển thiết kế vi mạch tại Việt Nam của các đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã góp mặt trong các bảng xếp hạng của thế giới như: nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Kỹ thuật - Công nghệ; Toán học đều có vị trí xếp hạng từ 301 - 550 thế giới (theo bảng xếp hạng của Tổ chức QS).

Theo các chuyên gia, lĩnh vực chip bán dẫn là một lĩnh vực đặc thù, yêu cầu kiến thức liên ngành và thời gian tích luỹ kinh nghiệm dài, hiện chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của người học. Việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thiết bị, phần mềm chuyên dụng tốn kém nên chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, để tăng quy mô đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn trong thời gian tới, bên cạnh những kiến nghị chính sách đối với Chính phủ, Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Đại học Đà Nẵng cũng kiến nghị các chính sách từ phía địa phương.

Cụ thể, TP Đà Nẵng cần có chính sách thu hút doanh nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường (hỗ trợ thủ tục hành chính, kinh phí đi lại, lưu trú...). Địa phương cũng cần chủ động xây dựng Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn, với hệ sinh thái là Nhà nước - Doanh nghiệp và trường Đại học; có chính sách hỗ trợ giảng viên thực hiện đề tài khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn...

Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện các bước chuẩn bị, trong đó chủ trì xây dựng một kế hoạch phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để điều phối chung. Trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt.

Đồng thời, giải trình trước Quốc hội về chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là ngành mới và là thách thức, trọng trách, sứ mệnh của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh có thể bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn… Ngoài ra, các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Bộ GD&ĐT cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này. Bởi theo Bộ trưởng, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi tốn kém chi phí từ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Thực tế, không thể “tay không bắt chip” được.

Tháng 11/2023 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024. Quy hoạch điện VIII cũng đã được Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới bảo đảm năng lượng bền vững.
Trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 tháng 12 vừa qua, đã quy tụ các học giả hàng đầu thế giới về bán dẫn chia sẻ những thông tin mới, hữu ích trong lĩnh vực khoa học công nghệ. GS. Albert. P. Pisano - Viện sĩ Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ, đồng chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture - nhận định: “Việt Nam sẽ là nơi tuyệt vời cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn trong tương lai”...