Rực rỡ ngày hội áo dài và câu chuyện chủ quyền văn hóa
Phụ nữ Quảng Ngãi mặc áo dài diễu hành bằng xe đạp trong Tuần lễ Áo dài năm 2022.
Hàng năm, cứ vào tháng 3, Tuần lễ Áo dài lại được Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về lịch sử, giá trị của Áo dài Việt Nam. Năm nay, Tuần lễ Áo dài diễn ra từ ngày 1 đến 8/3 và ngay trong ngày đầu tiên của tuần lễ, dù nhiều nơi đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng các chị em vẫn tưng bừng hưởng ứng, diện tà áo duyên dáng tại cơ quan, công sở và nhuộm sắc trên mạng xã hội.
Tại Đà Nẵng, chương trình "Chào Tháng 3" được tổ chức với nhiều hoạt động ấn tượng như: trình diễn áo dài của Nhà thiết kế áo dài Tuấn Thi; đồng diễn vũ điệu thể dục - thể thao; diễu hành áo dài trên các phương tiện xích lô, xe đạp trên các tuyến đường phố Đà Nẵng. Hội LHPN tỉnh Hưng Yên phát động sưu tập “Áo dài - Trao gửi yêu thương - Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam” nhằm giúp hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện mặc áo dài trong những ngày trọng đại, ngay sau lễ phát động, chỉ trong ngày 1/3, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận được 50 bộ áo dài để gửi tới những chị em có nhu cầu cần sử dụng trong thời gian tới. Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 5/3 đến 15/4. có sự đồng hành của hơn 20 nhà thiết kế. Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam giới thiệu bộ sưu tập mang tên Giấc mơ lấy ý tưởng từ những tinh hoa quý báu của gốm Bát Tràng để vẽ lên bức tranh huyền bí nhưng đầy sắc màu từ lòng đất mẹ…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (tác giả tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn) thì việc các nước biết đến và thừa nhận áo dài là quốc phục nước Việt là điều đương nhiên, song Nhà nước cần có quy định để chọn áo dài là mẫu quốc phục Việt. Đồng thời, cần hệ thống lại những bằng chứng từ xa xưa để thế giới thấy được đây là một trang phục có truyền thống lâu đời với sức sống mãnh liệt đối với người dân Việt. “Chúng ta phải củng cố hơn di sản áo dài. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Có thể thấy, những nghĩ suy từ ngày hội áo dài rực rỡ cho thấy, từ “sự biết” đến sự khẳng định trên phương diện pháp lý là một chặng đường đòi hỏi có sự nỗ lực ngay từ bây giờ. Hay nói cách khác, chúng ta cần sớm hành động để áo dài trở thành báu vật của đời sống, của văn hóa Việt và bảo vệ tà áo dài cũng chính là bảo vệ "chủ quyền văn hóa" Việt Nam.