Sẵn sàng cho cuộc sống “bình thường mới”
Sống chung an toàn với Covid-19
Hiện tại sau khi thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội ở một số địa phương, dịch bệnh phần nào đã được khống chế. Một số vùng đã được xanh hoá, rào cản kiểm soát, phong toả cách ly được dỡ bỏ. Các số liệu về ca F0 và số bệnh nhân được chữa khỏi ngày một tăng cao, số ca nhiễm giảm.. đó là những kết quả đáng mừng có được nhờ sự quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng chung sức của toàn dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Sau một thời gian dài "ai ở đâu, ở yên đó", mỗi người dân là một "chiến sĩ" và mỗi gia đình là một "pháo đài" vững chắc đã cho thấy những tác dụng vô cùng tích cực khi vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng giảm, vùng xanh được mở rộng trên bản đồ Covid-19.
Tuy nhiên, để có được những kết quả trên là sự đánh đổi rất lớn về nhiều mặt, kể cả kinh tế. Chấp nhận hy sinh là để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Để chuẩn bị cho kế hoạch chống dịch lâu dài, phủ rộng vắc xin cho cộng đồng và kéo dài thời gian cho người được tiêm có kháng thể.
Đại dịch Covid sau 2 năm xuất hiện với diễn biến phức tạp được nhận định: đa ổ dịch, đa biến chủng, đa nguồn lây với tốc độ lây lan nhanh chóng. Nó trở nên khó lường trên phạm vi toàn cầu và không biết khi nào có thể kết thúc.
Quá trình chống dịch của nước ta và cả thế giới cho chúng ta thấy chiến lược “Zero Covid” từng đặt ra là rất khó thực hiện. Và quan điểm “sống chung an toàn với COVID 19” sẽ bắt đầu trở thành một phần tất yếu của thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Một số địa phương của Việt Nam đang ở giữa đợt dịch nghiêm trọng và đã căng mình chống dịch suốt một thời gian dài. Covid 19 không chỉ gây mất mát mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đất nước.
Phong tỏa kéo dài khiến nền kinh tế đã tới giới hạn, hàng trăm doanh nghiệp kiệt quệ; hàng ngàn công ty xí nghiệp điêu đứng. Chuỗi sản xuất, cung ứng gián đoạn; xuất khẩu trì trệ liên tục đứng trước nhiều vấn đề pháp lý phát sinh…. An sinh với các gói cứu trợ từ Nhà nước bung ra cũng khó giải quyết hết tất cả vấn đề.
Thay đổi tư duy bước sang bình thường mới
Đây là giai đoạn chống dịch phải tính đến phương án ổn định sinh kế. Những cá nhân hay mô hình kinh tế nhỏ lẻ vốn không có tích lũy sâu thì thời gian qua đã đến giới hạn chịu đựng. Đây là lúc cần thay đổi về cách nhìn nhận vấn đề, nền kinh tế phải được duy trì, vận hành và hoạt động một cách chủ động nhưng phải đảm bảo an toàn.
Ngay từ đầu, việc chống dịch đã được xác định là lâu dài, nên việc thay đổi tư duy phải có lộ trình cụ thể để đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Điều đó có nghĩa phải chấp nhận từ bỏ cuộc sống bình thường cũ bởi việc xóa sổ Covid 19 là điều rất khó thực hiện.
Virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tồn tại và tương tự như virus cúm, thủy đậu hay sốt rét… có khả năng chúng sẽ sống bên cạnh con người. Thực tế rất nhiều nước trên thế giới đã tính đến phương án sống chung với dịch như: Singgapore, Ấn Độ, Anh, Trung Quốc…khi mà độ phủ vacxin ở mức ổn định cho phép mở cửa.
Bài học kinh nghiệm cho thấy khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và dần mở cửa trở lại thì hành động và ý thức của người dân trở thành điều kiện tiên quyết cho cuộc chiến chống dịch. Có thể đã đến lúc người dân Việt Nam thay đổi tư duy quan điểm và nhận thức về đại dịch. Nên chăng chúng ta cần chuyển sang thích nghi và sống chung với dịch.
Xác định chống dịch thành công không phải là loại bỏ hoàn toàn dịch hay không ghi nhận ca dương tính nào mà là ghi nhận ít người nhập viện và ít người tử vong nhất có thể. Cần phải chấp nhận số ca nhiễm tăng, kể cả tăng rất nhiều nhưng miễn là không kèm số ca bệnh trở nặng và tử vong.
Hiện tại tiêm vacxin được xem là "lá chắn" tạo cho chúng ta cơ hội tự do di chuyển, vận hành và hoạt động. Vacxin có thể không làm giảm số ca dương tính nhưng nhất định nó có thể giúp các bệnh nhân F0 hạn chế tối đa trở nặng và tử vong. Vacxin đang được xem là giải pháp căn cơ nhất, là ưu tiên số 1 trong các chính sách chống dịch.
Các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng khi bước vào quá trình sống chung và thích nghi với Covid-19. Khi đó “hành động và ý thức” của người dân đóng vai trò tiên quyết cho cả quá trình. Các biện pháp xã hội và sức khỏe từ Chính quyền Nhà nước sẽ phải được phổ cập, duy trì liên tục. Ý thức của người dân, Vacxin và 5K (khẩu trang - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế - khoảng cách)… sẽ trở thành lá chắn thép và là những biện pháp có thể giảm phần nào sự lây nhiễm. Người dân phải tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ mình và cộng đồng. Ý thức chính là “liều vacxin” hiệu quả nhất trong cuộc chiến sống chung với dịch bệnh.
Trong giai đoạn dịch bùng phát, tất cả mọi thứ đều khó khăn. Bất cứ ai cũng muốn nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng bình thường như thế nào để mọi người được an toàn, kinh tế xã hội vẫn phát triển ổn định lại là một vấn đề khó. Có thể nhịp hoạt động sẽ chậm, cuộc sống cùng dịch bệnh sẽ có nhiều bất cập nhưng hãy vững tin rằng chúng ta sẽ thích nghi được, không lẩn tránh nó, sống cùng nó chính là chiến thắng nó.