Sẵn sàng cho một kỳ thi công bằng
Thí sinh tự do và thí sinh lớp 12 thi chung
Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 9.820 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh có 414 phòng thi, tổ chức thành 17 điểm thi chính thức và 2 điểm thi dự phòng. Tại thành phố Cà Mau có 7 điểm thi, các huyện có 10 điểm thi. Cà Mau dự kiến điều động 1.650 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ trong Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi. Trong đó, Sở GD-ĐT cử 1.500 cán bộ, giáo viên; Công an tỉnh, các huyện, thành phố cử 92 người, Sở Y tế cử 40 người.
Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu Hội đồng thi phải lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm để tham gia tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi, nhất là những khâu mang tính then chốt trong quá trình tổ chức kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Thời gian thanh tra, kiểm tra sẽ diễn ra từ ngày 15/6/2023 đến ngày 15/7/2023. Để bảo đảm không thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi tham dự kỳ thi, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học có thí sinh tham dự kỳ thi báo cáo thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh, người thân của thí sinh và cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tương tự, tại Bạc Liêu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu Lâm Thị Sang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký dự thi toàn tỉnh là 6.382, trong đó có 5.699 thí sinh giáo dục THPT, 285 thí sinh giáo dục thường xuyên và 398 thí sinh tự do và được chia thành 277 phòng thi. Tất cả các thí sinh có nhu cầu dự thi đều đã đăng ký thành công.
Sở GD-ĐT Bạc Liêu có 16 điểm thi. Thí sinh tại các điểm thi được ghép theo liên trường và trung tâm, trong đó có 8 điểm thi bố trí cho thí sinh tự do và thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi chung với thí sinh lớp 12 giáo dục THPT. Dự kiến tỉnh Bạc Liệu sẽ huy động 915 người, gồm 887 cán bộ quản lý, giáo viên và 28 nhân viên phục vụ làm nhiệm vụ tại các điểm thi. Lực lượng bảo đảm an toàn cho kỳ thi gồm 230 người, trong đó có 192 cán bộ, chiến sĩ công an, 22 trật tự viên và 16 y, bác sĩ.
Các nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12, đồng thời, kiểm tra, rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác in sao đề thi, công tác chấm thi; hệ thống camera giám sát các hoạt động tại các phòng chứa đề thi, bài thi; các phòng chấm thi, phòng chứa bài thi tự luận, bài thi trắc nghiệm. Thanh tra tỉnh đã cử công chức thanh tra tham gia thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi; đơn vị đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng và số điện thoại trực thanh tra thi cho Thanh tra Bộ GD-ĐT. “Năm nào cũng tổ chức thi nhưng chúng tôi xác định đây là việc quan trọng không thể chủ quan, chỉ một sơ suất có thể hậu quả khôn lường”, Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu Lâm Thị Sang nhấn mạnh.
Tổ chức thi bảo đảm “4 đúng, 3 không”
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Quốc gia đã lưu ý với Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu về một số vấn đề như: công tác ôn tập cho học sinh; bố trí địa điểm chấm thi, in sao đề thi; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa các lực lượng; lưu ý những điểm mới về bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; tập huấn, truyền thông về kỳ thi, đặc biệt là việc phòng ngừa những lỗi có thể vi phạm, nhất là bảo mật đề thi…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, cần làm tốt hơn nữa công tác quán triệt nâng cao nhận thức về tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, kết quả của kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, là một kênh đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá công tác quản lý của nhà trường, công tác dạy và học của giáo viên, học sinh; vừa là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
“Với tính chất như vậy, việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc, an toàn và công bằng”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, với một kỳ thi có nhiều người, nhiều lực lượng cùng tham gia, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng. Nêu ví dụ sau khi kiểm tra địa điểm in sao đề thi, Thứ trưởng khuyến cáo tỉnh Cà Mau có thể xem xét để có địa điểm in sao rộng rãi hơn. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, Thứ trưởng lưu ý tất cả các khâu đều phải được kiểm tra, thanh tra, giám sát trên nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn là chính.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Cà Mau thực hiện đầy đủ 4 đúng - 3 không trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. 4 đúng là: Đúng Quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. 3 không là: Không lơ là, chủ quan (biết rồi, hiểu rồi); không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực thái quá.
“Cà Mau có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và giữ vững cách chỉ đạo, tổ chức: Minh bạch, dân chủ, trong sáng trong mọi khâu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chia sẻ, đồng thời cho biết, tỉnh Cà Mau rất kỹ trong khâu chọn người làm công tác thi, cũng rất chủ động trong xử lý tình huống.
Nêu ví dụ năm ngoái một thí sinh ngủ quên đã được lực lượng Đoàn thanh niên đến phòng trọ đánh thức và đưa đến trường thi kịp giờ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cà Mau khẳng định tinh thần “không lơ là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong các tình huống”.
Tại Bạc Liêu, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, tiếp tục làm tốt công tác ôn tập cho học sinh, quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa xôi, tạo điều kiện tốt nhất để các em đến được trường thi; chủ động truyền thông về những điểm mới, truyền thông để giáo viên, phụ huynh, học sinh biết được tính chất tối mật của đề thi; có phương án khắc phục bão lũ, thiên tai… Trước đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường THPT Bạc Liêu - đây là điểm thi và cũng là điểm chấm thi của Hội đồng thi…