Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh là xu hướng tất yếu
Ngành vật liệu xây dựng ở thế khó
Nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Đà Nẵng 2023, chiều 10/5, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.
Phát biểu khai mạc, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho biết, hội thảo lần này được tổ chức tại Đà Nẵng với mục tiêu định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh trong thời gian tới, đặc biệt tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tại hội thảo, các đại biểu sẽ trình bày về thực trạng, giải pháp, xu hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng xanh, tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường trong bối cảnh hiện nay nhằm đem lại những công trình đẹp hơn, bền vững hơn, đa năng hơn phục vụ thiết thực cho cuộc sống.
Tại hội thảo, ông Trần Xuân Đính - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng, Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung – Tây Nguyên cho biết, ngành sản xuất vật liệu miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp, đáp ứng vật liệu tại chỗ cho hoạt động xây dựng; tạo dựng bộ mặt mới về hạ tầng, công nghiệp và đô thị nhà ở của khu vực; tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động và các dịch vụ khác, nâng cao đời sống của người lao động và nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên từ quý 3 năm 2022 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành vật liệu khu vực miền Trung - Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn.
Các sản phẩm như xi măng, gạch ngói, gạch ốp lát, gỗ công nghiệp,... bị giảm nhu cầu tiêu thụ, nên đa số các nhà máy sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt 50% công suất. "Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch nên kinh tế chưa phục hồi, đồng thời là cơ chế tín dụng bị siết chặt làm cho các ngành đầu tư xây dựng và nhất là bất động sản đóng băng, nhiều dự án đứng trước nguy cơ phá sản. Đặc biệt, gần đây một số vật liệu đất, đá, cát trở nên khan hiếm, có nơi bị đẩy giá lên hơn gấp đôi mà vẫn khó để mua, làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng", ông Đính cho biết.
Theo TS. Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, vật liệu xây dựng truyền thống hiện đang gặp khó, chính vì thế sử dụng vật liệu xanh trong bối cảnh hiện nay sẽ là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở vẫn còn thách thức. Nguyên nhân là do việc thực hiện các cơ chế chính sách đã được ban hành còn những bất cập; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xây dựng xanh, các hướng dẫn sử dụng chưa được đầy đủ; do đó gây tâm lý e ngại, các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế, người sử dụng chưa có đủ căn cứ để đưa sản phẩm vào công trình.
Sử dụng vật liệu xây dựng xanh góp phần giảm ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên
TS. Thái Duy Sâm cho rằng việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh đáp ứng nhu cầu cho xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng đang là vấn đề cấp thiết.
Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương và ban hành các văn bản nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng. Việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và các chất độc hại, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản. “Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh ở nước ta còn hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó cần phải thực hiện một số giải pháp để tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, nhằm góp phần phát triển bền vững”, TS. Thái Duy Sâm đánh giá.
TS. Thái Duy Sâm cũng đưa ra các giải pháp sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh cho xây dựng nhà ở. Theo đó, cần tiếp tục ban hành đầy đủ và rà soát sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong xây dựng nhà ở xã hội (chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất vật liêu xây dựng xanh về đầu tư, tài chính, thuế,... góp phần giảm giá thành sản phẩm; chính sách về ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liêu xây dựng xanh).
Đồng thời phải có các chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh và lợi ích mà chúng mang đến cho chủ đầu tư và người sử dụng nói riêng, toàn xã hội nói chung, để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.
Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Đặc biệt đối với công trình nhà ở xã hội, cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục tìm mọi giải pháp (đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, cải tiến quản trị doanh nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0,...) để ổn định và nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.