Sản xuất vật liệu xanh, tái chế: Đề xuất cơ chế, chính sách
Kiến tạo nền kiến trúc xanh, đô thị bền vững
Trong nhiều năm qua, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng là một trong những ưu tiên của ngành Xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của các công trình có kiến trúc bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đưa nội dung thúc đẩy phát triển các loại công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, đề án... cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao ý tưởng, đóng góp về xu hướng, thực trạng, giải pháp các công trình xanh, vật liệu xanh trong hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các DN. Đồng thời, phân tích, đánh giá chuyên sâu trong áp dụng những giải pháp về vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, trong xây dựng, nhằm kiến tạo nền kiến trúc xanh, phát triển đô thị bền vững cho tương lai.
Áp dụng giải pháp xanh từ thiết kế, giảm chi phí đầu tư
Ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow nhấn mạnh: Với 20 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh VLXD & nội thất, đơn vị đã và đang hợp tác với các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các đối tác uy tín hàng đầu thế giới như: Kommerling, Giesse, Cmech… Chúng tôi cam kết đồng hành, chung tay trong việc bảo vệ môi trường và sẽ đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng hiệu quả. Qua hội thảo, sẽ đề xuất về cơ chế, chính sách, để khuyến khích các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất vật liệu có thể tái chế, vật liệu xanh tiết kiệm năng lượng, hướng tới giảm thiểu khí thải nhà kính; ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Thanh - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay, yêu cầu của kiến trúc tương lai hướng tới phát triển bền vững, được đánh giá qua các thông số, chỉ số công trình trong thiết kế, xây dựng và vận hành, nhằm giảm thiểu tác động xấu và tạo ra tác động tích cực với khí hậu và môi trường. Thiết kế kiến trúc xanh đương đại là sự tích hợp của: Công năng, thẩm mỹ, kết cấu, vật liệu, vật lý kiến trúc, việc giảm thiểu tác động môi trường, tính bản địa và công nghệ thông tin - điều khiển học. Hiện nay, nhà phát triển thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì suy nghĩ chi phí xây dựng ban đầu lớn, thường cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường. Thực tế, nếu áp dụng các giải pháp xanh ngay từ thiết kế, sẽ không làm tăng, thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2 - 3 năm. Bên cạnh đó, để thực hiện các giải pháp đáp ứng công trình xanh thì nhu cầu rất lớn là phải đáp ứng các vật liệu xanh như cửa, gạch, thiết bị vệ sinh... Cụ thể như việc sử dụng cây xanh, tiết kiệm nước, bổ sung năng lượng tái tạo bằng hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời...
Tham dự sự kiện, một số DN trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp VLXD chia sẻ về những giải pháp vật liệu mới, tiên tiến, đã và đang được đẩy mạnh ứng dụng trong phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Đại diện các DN cam kết hướng tới phát triển công trình xanh, nâng cao nhận thức người dân, cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành, hướng tới năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26.