Sập bẫy đầu tư ngoại hối vì hám lợi
Để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền
Thời gian qua, Cơ quan Công an đã tiếp nhận nhiều vụ trình báo bị mất tiền khi tham gia đầu tư vào sàn ngoại hối quốc tế. Đáng chú ý, có những nạn nhân sập bẫy cả tiền tỉ chỉ vì tin vào những lời quảng cáo “có cánh” và “bánh vẽ” hoa hồng siêu lợi nhuận nhưng thực chất đều là trò bịp bợm.
Đơn cử là trường hợp của chị P. (SN 1991, quê ở Hà Tĩnh, sống ở quận Long Biên, TP. Hà Nội) vừa trình báo bị mất 200 triệu đồng khi tham gia "đầu tư ngoại hối quốc tế".
Theo trình báo của nạn nhân, vào ngày 5/5, chị P. có nhận được lời mời tham gia "đầu tư ngoại hối quốc tế" qua trang một trang web. Để dụ người chơi đầu tư, “sàn” quảng cáo có giấy chứng nhận quốc tế, được kiểm định, đánh giá chất lượng, với cam kết kiếm nhiều tiền với lãi suất từ 10-30%. Sau khi được tư vấn, chị V. đã nạp 200 triệu đồng nhưng sau đó không thể rút được tiền ra.
Trước đó, một nam thanh niên ở quận Long Biên, TP. Hà Nội đã mất hơn 300 triệu đồng với thủ đoạn tương tự. Theo đơn trình báo, vào tháng 6/2022, anh K. (SN 1980, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) có nhận được lời mời tham gia "đầu tư sàn ngoại hối". Với quảng cáo lãi suất cao, anh K. đã nạp 250 triệu đồng vào tài khoản. Nhưng sau khi chuyển tiền xong, anh K. không rút được tiền. Chủ sàn yêu cầu anh phải nâng cấp lên tài khoản VIP thì mới rút được tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm 88 triệu đồng, anh K. không rút được tiền và bị xoá khỏi nhóm giao dịch. Lúc này, anh K. mới biết bị lừa và đến Công an quận Long Biên trình báo.
Một nạn nhân khác cũng bị lừa mất hơn 500 triệu đồng khi đầu tư tiền vào "sàn ngoại hối quốc tế" là chị L.T.H ở quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Theo đơn trình báo, vào cuối tháng 2/2022, chị H. có nhận được lời mời tham gia "đầu tư ngoại hối quốc tế", với quảng cáo "sàn có giấy chứng nhận quốc tế và được kiểm định, đánh giá chất lượng" cùng cam kết tài khoản sẽ tăng trưởng 50-70%, chị H sẽ lời 2-7% mỗi ngày, có thể rút tiền nhanh chóng.
Sau khi được tư vấn, chị H. nạp thử số tiền tương ứng là 10 USD thì được rút ra gần 300.000 đồng. Thấy lần đầu dễ dàng “kiếm tiền”, chị H. tiếp tục nạp tiếp số tiền tương ứng 500 USD thì được rút ra hơn 13 triệu đồng. Sau 2 lần có lãi, chị H tiếp tục nạp hơn 500 triệu đồng, nhưng không thể rút được tiền ra. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo.
Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Công an TP. Hà Nội, hiện nay, thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Các sàn tự giới thiệu là các dự án có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với sàn giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới với lãi suất cam kết 10-30% một tháng.
Thời gian đầu, các sàn này sẽ để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi sẽ khoá tài khoản, không cho rút tiền.
Cảnh giác để tránh sập bẫy
Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thông tin các sàn giao dịch nước ngoài đầu tư với lãi suất cao để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an trình báo để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch ngoại hối.
Trước tình trạng nhiều người dân bị sập bẫy khi tham gia "đầu tư ngoại hối quốc tế", lực lượng Công an các tỉnh thành đã liên tục triệt phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn tiền ảo.
Theo Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), pháp luật Việt Nam hiện nay chưa cho phép mở sàn giao dịch ngoại hối. Vì vậy, để thu hút người chơi, các đối tượng lừa đảo bằng nhiều chiêu trò môi giới quảng cáo hấp dẫn như: có các hệ thống hỗ trợ khách hàng tham gia giao dịch nhanh chóng, chính xác, lãi suất cao, có thể lên tới 1%/ngày trên tổng số tiền đầu tư. Các đối tượng huy động nhiều tài khoản ảo trong nhóm liên tục đăng hình thắng lớn, rút tiền thành công, nhằm tạo lòng tin cho nạn nhân.
Trên thực tế, các công ty có mô hình phát triển mạng lưới người tham gia theo hình kim tự tháp thì bất cứ ai cũng có thể mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư, kể cả trẻ em. Khi tham gia vào hệ thống nhà đầu tư, họ được cấp một tài khoản để đăng nhập website, sau đó chuyển tiền vào hệ thống thông qua phương thức thanh toán bằng thẻ Visa, Mastercard hoặc tiền đầu tư. Nhà đầu tư được hưởng cổ tức hàng tháng theo số lượng cổ phần sở hữu, ngoài ra còn được hưởng hoa hồng khi giới thiệu người đầu tư mới tham gia vào hệ thống. Tùy vào cấp bậc đạt được, nhà đầu tư sẽ nhận mức hoa hồng khi giới thiệu người tham cấp dưới; cấp bậc càng cao thì tỉ lệ hoa hồng khi giới thiệu càng lớn...
Theo đó, các đối tượng môi giới tích cực chào mời, lôi kéo, thu hút người chơi qua điện thoại (telesale), quảng cáo trên mạng xã hội Facebook... Sau khi khách hàng "cắn câu", các đối tượng dụ dỗ họ tham gia các nhóm kín trên ứng dụng Zalo, Viber, Telegram... Ban đầu, các đối tượng thường để khách hàng thắng với số tiền nhỏ. Một số doanh nghiệp còn tổ chức hội thảo, tổ chức sự kiện lớn, mời những người có địa vị xã hội đến dự, vinh danh những người thành công nhờ tham gia đầu tư. Nếu không thận trọng và đề phòng, cảnh giác cao, người dân rất dễ sập bẫy lừa của các đối tượng mời tham gia đầu tư sàn tiền ảo.
Kinh doanh đa cấp biến tướng
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, sàn kinh doanh ngoại hối quốc tế là một lĩnh vực đặc thù, một loại hình kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã mua các trang web của nước ngoài, hướng dẫn người chơi tham gia đầu tư vào các sàn ngoại hối.
Các đối tượng đầu tư thuê những mặt bằng rộng, huy động hàng trăm nhân viên để thực hiện các hoạt động marketing, tìm kiếm khách hàng nhằm tạo một vỏ bọc hào nhoáng khiến mọi người tin tưởng đây là một loại hình kinh doanh mới, đa quốc gia, siêu lợi nhuận và cam kết bảo toàn vốn.
Dưới góc độ pháp lý, các tổ chức, cá nhân mua các trang web của nước ngoài hoặc tự lập những trang web của nước ngoài để thực hiện hoạt động ngoại hối là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu có yếu tố chiếm đoạt tiền của người tham gia thì người điều hành và các đối tượng có liên quan sẽ bị xử lý về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của người khác" theo Điều 290 BLHS năm 2015.